Quốc tế

Hỗn loạn và khoảng trống quyền lực ở Sudan gây nguy cơ với an ninh toàn cầu

14:55, 09/05/2023 (GMT+7)

Xung đột và bất ổn kéo dài khiến quốc gia 45 triệu dân nghèo khó Sudan trở thành mục tiêu chiến lược của các nhóm cực đoan trong khu vực.

Bắc Phi, Trung Phi và Sừng châu Phi đã xuất hiện rất nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan được vũ trang mạnh. Ảnh: AFP
Bắc Phi, Trung Phi và Sừng châu Phi đã xuất hiện rất nhiều tổ chức Hồi giáo cực đoan được vũ trang mạnh. Ảnh: AFP

Cuộc tranh giành quyền lực giữa hai chỉ huy của quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah Al-Burhan và Tướng Mohamed Dagalo của Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) đang tiếp tục diễn ra sau nhiều tuần xung đột tàn khốc.

Trong số rất nhiều câu hỏi đặt ra đối với các nhà phân tích châu Phi và các chuyên gia địa chính trị là liệu cuộc đối đầu dai dẳng, đẫm máu giữa hai bên sẽ gây ra hậu quả gì cho Sudan, giống như những cuộc xung đột nội bộ tương tự trong những thập kỷ gần đây đã gây ra cho hai quốc gia lớn khác, vốn đến nay phần lớn không được kiểm soát ở Bắc Phi: Libya và Somali.

Trong 25 năm qua, Mỹ đã coi Sudan có tầm quan trọng về mặt địa chiến lược đối với lợi ích của họ ở cả châu Phi và Trung Đông. Vào đầu những năm 1990, dưới ảnh hưởng của Mặt trận Hồi giáo Quốc gia (NIF), Sudan có một chính phủ thân thiện với các nhóm chiến binh thuộc mọi thành phần, đặc biệt là Al-Qaeda.

Năm 1993, Mỹ liệt Sudan vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố. Đến năm 1996, quốc gia này được coi là nơi ẩn náu, đầu mối và trung tâm huấn luyện cho một số tổ chức khủng bố quốc tế, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Đông. Năm đó, sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua ba nghị quyết quan trọng, Sudan đã ra lệnh trục xuất thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden khỏi lãnh thổ của mình.

Hai năm sau, để trả đũa vụ đánh bom nhằm vào hai đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi, chính quyền Bill Clinton đã ra lệnh tấn công bằng tên lửa hành trình vào một nhà máy dược phẩm ở Khartoum, thủ đô của Sudan, tuyên bố rằng địa điểm này đã được Al-Qaeda sử dụng để sản xuất nguyên liệu cho vũ khí hóa học.

Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, Sudan đã tuân thủ các cam kết của mình trong các thỏa thuận hòa bình ở cả khu vực Darfur và Nam Sudan, đồng thời duy trì hợp tác chống khủng bố với các đối tác quốc tế. Nhưng những tiến bộ trên giờ đây đang gặp nguy hiểm khi đất nước nghèo khó với 45 triệu dân này đang chìm trong tình trạng vô pháp, tội phạm có tổ chức và kinh tế sụp đổ.

Trong những tuần gần đây, một số khu vực ở Khartoum đã trở thành vùng chiến sự và người dân phải sơ tán sang các nước láng giềng và đối mặt với những điều kiện sống rất mong manh. Theo tổ chức phi lợi nhuận Dự án dữ liệu sự kiện và vị trí xung đột vũ trang (ACLED), cho đến nay, các cuộc đụng độ đã khiến khoảng 700 người thiệt mạng, hầu hết trong số họ ở Khartoum và khu vực phía tây Darfur.

Trong khi con số thương vong và những người phải sơ tán tiếp tục gia tăng và khiến cả thế giới kinh hoàng, một số nhà phân tích cảnh báo rằng cuộc xung đột có thể là điềm báo về một hậu quả thảm khốc khác - biến Sudan thành một điểm nóng của chủ nghĩa khủng bố.

Khi giao tranh tiếp diễn và tổn thất về nhân mạng tăng lên, Sudan chắc chắn sẽ xuất hiện không chỉ những khoảng trống không được kiểm soát cho những kẻ khủng bố lợi dụng, mà còn dẫn đến việc hai phe đối địch có thể cắt đứt các thỏa thuận với các nhóm chiến binh trong khu vực và tạo tiền đề cho một vòng xoáy chiến tranh và xung đột mới.

Hafed Al-Ghwell, một thành viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins, cho rằng sự kết hợp giữa tình hình an ninh mong manh, khủng hoảng kinh tế, bất ổn xã hội và khu vực lân cận bất ổn đã tạo điều kiện hoàn hảo cho sự xuất hiện của các nhóm cực đoan ở Sudan.

Với lịch sử có nhiều nhóm cực đoan cũng như tình trạng bất ổn ngày càng tăng của Sudan, các tổ chức khủng bố như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và Al-Qaeda có thể hướng tới quốc gia này như một căn cứ tiềm năng mới.

“Cả hai nhóm phiến quân trên đều từng hoạt động ở Sudan trong quá khứ. Khả năng các nhóm này tái xuất ở Sudan còn tăng lên do vị trí địa lý của Sudan: Có chung biên giới với Libya, Chad và Somalia, nơi các nhóm cực đoan bạo lực tiếp tục hoạt động, kiểm soát biên giới lỏng lẻo và cơ sở hạ tầng an ninh yếu kém trong khu vực tạo điều kiện hoàn hảo cho những kẻ khủng bố di dời và vận chuyển vũ khí, hàng lậu và các nguồn cung cấp bất hợp pháp khác”, ông Al-Ghwell nói.

Tất cả những điều này, theo chuyên gia Al-Ghwell, là nguyên nhân gây lo ngại không chỉ ở Trung Đông mà còn ở châu Âu và thế giới nói chung. Bên cạnh đó, vị trí chiến lược của Sudan, giáp với Biển Đỏ, vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel, đã chứng kiến ​​nước này bị ảnh hưởng bởi các tranh chấp khu vực. Ví dụ, mối quan hệ của nước này với nước láng giềng Ethiopia đã trở nên căng thẳng vì những tranh chấp đất nông nghiệp dọc biên giới.

Ngoài ra, châu Phi cũng là nơi có các nhóm vũ trang khác hoạt động như Boko Haram ở Nigeria, Al-Shabaab ở Somalia và Al-Qaeda ở Tây Bắc châu Phi và khu vực Sahel. Do đó, ông Al-Ghwell cho rằng nhìn về tương lai, cộng đồng quốc tế cần có hành động kịp thời và phù hợp để ngăn chặn các nhóm cực đoan có thể lợi dụng khoảng trống quyền lực ở Sudan.

Theo Báo Tin tức

.