Quốc tế

Thêm bước đi cứng rắn của Nga

09:07, 18/05/2023 (GMT+7)

Cựu Tổng thống, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev vừa có tuyên bố đáng chú ý ngày 16-5 trên tài khoản Telegram, trong đó khẳng định Nga có quyền triển khai vũ khí tại bất cứ nơi nào cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia sau khi rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ khí thông thường tại châu Âu (CFE).

“Hạ viện Nga lên án Hiệp ước CFE. Tài liệu này không còn liên quan tới chúng ta kể từ năm 2007. Giờ đây, không còn điều khoản nào trong số các cam kết quốc tế đã bị đình chỉ trước đây có thể ngăn cản chúng ta đặt vũ khí ở bất cứ nơi nào chúng ta muốn để bảo vệ các lợi ích quốc gia. Bao gồm cả phần lãnh thổ của Nga tại châu Âu”, ông Medvedev viết trên Telegram. Quan chức này cho biết, Moscow sẽ tối đa hóa việc sản xuất vũ khí, các khí tài quân sự và các loại phương tiện sát thương.

Trong diễn biến liên quan, phát biểu trước phiên họp toàn thể của Hạ viện Nga ngày 16-5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho rằng, Moscow hy vọng phương Tây sẽ nhìn nhận về thông điệp mà Nga phát đi từ quyết định rút khỏi CFE, một hiệp ước đi ngược lại lợi ích an ninh của nước này. “Đây là thời khắc lịch sử, các nước phương Tây phải tôn trọng quyết định của Moscow”, ông Sergey Ryabkov nói.

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin khởi động quá trình bác bỏ Hiệp ước CFE khi nộp dự luật chính thức rút khỏi hiệp ước này lên Hạ viện. Giới chức Nga cho biết, việc rút khỏi hiệp ước không thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và bối cảnh hiện nay cũng không thuận lợi để đưa ra giải pháp thay thế cho CFE. Song, thời gian tới sẽ hoàn toàn khác so với thế giới những năm 1990 hoặc 1999, và điều này đòi hỏi những cách tiếp cận mới, trong đó có cả vấn đề kiểm soát vũ khí. Theo giới quan sát, với động thái rút khỏi hiệp ước, chính quyền của Tổng thống Putin dường như đang tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn các quốc gia châu Âu và Mỹ hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.

Hiệp ước CFE được ký năm 1990 và điều chỉnh một lần vào năm 1997. Tuy nhiên, các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không phê chuẩn các điều khoản của bản hiệp ước đã điều chỉnh năm 1997, mà vẫn tiếp tục thực thi bản năm 1990. Trong bản năm 1990 có những điều khoản kiểm soát vũ khí thông thường nhằm giới hạn số xe tăng, lựu pháo, máy bay chiến đấu và trực thăng mỗi bên và mục tiêu là ngăn chặn các cuộc tấn công chớp nhoáng quy mô lớn, tạo thế cân bằng giữa NATO và Tổ chức Hiệp ước Warsaw (còn gọi là Hiệp ước Warsaw). Chính vì điều này mà Nga buộc phải tuyên bố việc tạm dừng thực thi Hiệp ước CFE vào năm 2007 như ông Medvedev nhắc lại ở câu “Tài liệu này đã không còn liên quan tới chúng ta kể từ hồi năm 2007”.

Tới ngày 11-3-2015, Nga cũng đình chỉ việc tham gia các phiên họp của Nhóm tham vấn chung về Hiệp ước CFE, theo đó hoàn tất luôn quá trình đình chỉ tư cách thành viên của nước này trong hiệp ước, mặc dù trên nguyên tắc vẫn là một bên tham gia ký kết CFE. Kể từ đó tới nay, theo TASS, các quyền lợi của Nga tại Nhóm tham vấn chung của Hiệp ước CFE do Belarus đại diện.

TASS dẫn quan điểm của ông Ryabkov ngày 16-5 cho biết, Nga sẽ cần khoảng 6 tháng để hoàn tất việc rút khỏi Hiệp ước CFE. “Sau khi chấm dứt mọi thủ tục lên án văn kiện này, chúng tôi cũng cần làm thêm nhiều bước liên quan tới các nước thành viên khác của CFE. Bước đầu tiên là thông báo tới mọi thành viên về ý định rút khỏi hiệp ước. Việc này phải được làm trong ít nhất 150 ngày trước thời hạn dự kiến, việc thông báo sẽ bao gồm tuyên bố về lý do khiến cho bước đi này là cần thiết”, ông Ryabkov giải thích.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.