Đà Nẵng cuối tuần

Cử nhân Trung Quốc trước thách thức việc làm

18:09, 06/05/2023 (GMT+7)

Tỷ lệ thất nghiệp của những người 16-24 tuổi ở Trung Quốc hiện là 19,6%. Số lượng cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng tạo ra thách thức về nhân khẩu học đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tạo ra 12 triệu việc làm trong năm nay. Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post, con số này là quá tham vọng.

Các nhà chức trách Trung Quốc cho rằng, các cử nhân thất nghiệp là do không chịu gác lại tham vọng nghề nghiệp để làm những công việc lao động chân tay. Ảnh: ABC
Các nhà chức trách Trung Quốc cho rằng, các cử nhân thất nghiệp là do không chịu gác lại tham vọng nghề nghiệp để làm những công việc lao động chân tay. Ảnh: ABC

Khó tìm việc

Báo Financial Times cho biết, các nhà chức trách Trung Quốc đổ lỗi tình trạng thanh niên thất nghiệp tăng cao là do các cử nhân không chịu gác lại tham vọng nghề nghiệp để làm những công việc lao động chân tay. Trong nhiều tuần gần đây, các đài truyền hình và cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc đã công bố hơn chục hồ sơ của các tân cử nhân kiếm được nhiều tiền nhờ những việc không yêu cầu kỹ năng cao, chẳng hạn như bán thức ăn đường phố hoặc trồng trái cây.

Tháng 3-2023, Đoàn Thanh niên Trung Quốc chỉ trích những người trẻ mới tốt nghiệp đại học cố chấp theo đuổi khát vọng nghề nghiệp, thà thất nghiệp chứ không chịu “xoáy đinh vít trong các nhà máy”. Thông điệp mà Đoàn Thanh niên đưa ra là thế hệ hiện tại hãy “cởi áo vest, xắn tay áo và đi làm ruộng”.

Những thông tin nói trên gây tranh cãi trên mạng xã hội. Có những quan điểm cho rằng, cử nhân thất nghiệp là do chính quyền không tạo đủ việc làm trong khi số thanh niên có học thức cao ngày càng tăng.

Hội chợ việc làm của Trung Quốc vào mùa hè này dự kiến thu hút khoảng 11,58 triệu cử nhân mới tốt nghiệp tham gia. Song, họ khó tìm việc bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa lấy lại đà tăng trưởng sau khi dỡ bỏ những biện pháp phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt, đồng thời các doanh nghiệp không muốn tuyển những người không có kinh nghiệm làm việc.

Từ năm 2022, “gã khổng lồ” trò chơi điện tử Tencent, nhà bán lẻ trực tuyến Alibaba và công ty truyền thông xã hội Weibo vốn sử dụng lao động trẻ, có trình độ học vấn cao của Trung Quốc đều đã tuyên bố cắt giảm việc làm. Học giả Zhao Litao tại Viện Đông Á nói với hãng tin DW: “Khu vực tư nhân là động lực chính tạo việc làm nên tình hình việc làm của thanh niên Trung Quốc rốt cuộc sẽ phụ thuộc vào các chính sách hậu Covid-19 có thể hỗ trợ khu vực tư nhân hiệu quả hay không và mức độ tự tin của các doanh nhân tư nhân trong môi trường kinh doanh hiện tại”.

Thách thức về nhân khẩu học

Kinh tế của Trung Quốc bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng với mức phục hồi 4,5% trong quý 1-2023. Tuy nhiên, tình trạng thanh niên thất nghiệp là vấn đề được đặt ra. Dữ liệu công bố ngày 18-4 cho thấy tình trạng thất nghiệp cao kỷ lục khi cứ 5 người trẻ tuổi ở Trung Quốc thì có một người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 3-2023 trong nhóm người 16-24 tuổi ở mức 19,6%.

Hai mươi năm tăng trưởng chưa từng thấy ở Trung Quốc đã tạo ra số lượng lớn việc làm. Song, khi đất nước chuyển từ sản xuất chi phí thấp sang nền kinh tế dịch vụ do xuất khẩu công nghệ cao chiếm ưu thế, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng nhanh hơn nhiều so với các nhóm nhân khẩu học khác. Ông Raymond Yeung - chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ đạt 19,6% là mức cao thứ hai trong lịch sử, cho thấy đà chậm lại của nền kinh tế, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước đã giảm còn 5,3%.

Số lượng cử nhân thất nghiệp ngày càng gia tăng tạo ra thách thức về nhân khẩu học đối với các nhà hoạch định chính sách. Dân số của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn suy giảm lần đầu tiên sau 6 thập niên. Lứa tân cử nhân này sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cha mẹ già của họ. Song, số cha mẹ già đông hơn hẳn số thanh niên Trung Quốc do nhiều thập niên áp dụng chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt. Trong khi đó, thách thức của giới trẻ đang là triển vọng nghề nghiệp hạn chế và khó có cơ hội tích lũy tiền bạc. Nhiều người tốt nghiệp đại học vẫn phải dựa vào hỗ trợ tài chính của gia đình.

Ông Tao Yu, giảng viên cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc của Trường Đại học Tây Úc (The University of Western Australia - UWA) nhận định: Kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay chưa phù hợp với nhu cầu thị trường việc làm. “Bằng tốt nghiệp không bảo đảm một công việc tốt hay dễ dàng nên họ đối mặt với cảm giác mông lung”, ông Tao nói.

KHÁNH LINH (theo FT, ABC, DW, SCMP)

.