Quốc tế
"Sự cố ngoại giao" về người di cư
Quan hệ giữa các nước thường xảy ra những “sự cố ngoại giao”, có khi đôi bên thông cảm, hoặc vì lý do nào đó nên nhanh chóng cho qua, nhưng cũng không ít sự cố dẫn đến căng thẳng.
Mới đây, theo đài phát thanh RMC, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin đưa ra những lời lẽ chỉ trích Thủ tướng Ý Giorgia Meloni khi cho rằng bà không thể xử lý rốt ráo vấn đề di cư. Thậm chí, ông Darmanin còn cáo buộc Thủ tướng Meloni “nói dối” cử tri nước mình rằng bà có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng người di cư bằng đường biển?!
Bình luận của ông Darmanin đưa ra ngay trước khi Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani chuẩn bị đến Paris gặp người đồng cấp Pháp Catherine Colonna để trao đổi nhiều vấn đề liên quan nhằm cải thiện một phần quan hệ đang ngày càng lạnh nhạt giữa hai quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU). Ngay lập tức, ngày 4-5, Ngoại trưởng Tajani hủy chuyến công du tới Paris, cáo buộc bộ trưởng Pháp đã xúc phạm nước Ý và cá nhân Thủ tướng Giorgia Meloni bằng những lời lẽ khó chấp nhận.
Trong tuyên bố nhằm xoa dịu căng thẳng, Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh, nước này mong muốn phối hợp với Ý giải quyết thách thức chung khi làn sóng người di cư gia tăng nhanh chóng, đồng thời kêu gọi hai bên bình tĩnh đối thoại. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa đủ để ngăn cản việc trì hoãn chuyến công du khi ông Tajani nói với đài truyền hình RAI rằng: “Tôi không thể tham gia cuộc họp song phương với chính phủ, trong đó có một bộ trưởng xúc phạm chúng tôi”; đồng thời gọi đây là “cú đâm sau lưng”. Ngoại trưởng Ý nhấn mạnh, Rome vẫn đang chờ ông Darmanin xin lỗi Thủ tướng, Chính phủ cũng như đất nước Ý.
Kể từ khi đảng “Những người anh em Ý” lên nắm quyền vào tháng 10-2022 và bà Meloni trở thành nữ Thủ tướng theo đường lối cực hữu đầu tiên của Ý, giữa Paris và Rome đã nhiều lần tranh cãi căng thẳng về một loạt vấn đề. Bà Meloni đứng đầu một chính phủ bảo thủ theo chủ nghĩa dân tộc và có quan điểm rất khác so với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne khi đó bày tỏ lo ngại về vấn đề nhân quyền, điều mà chính phủ theo đường lối cực hữu mới tại Ý coi là sự can thiệp thô bạo về chủ quyền.
Trước đó, Bộ trưởng Darmanin cáo buộc chính quyền của bà Meloni “ích kỷ” khi Ý từ chối tiếp nhận tàu chở người tỵ nạn Ocean Viking, buộc con tàu này chuyển hướng sang Pháp vào tháng 11-2022. Pháp sau đó tuyên bố trả đũa bằng việc từ chối tiếp nhận số người nhập cư đang tỵ nạn tại Ý được EU phân bổ sang Pháp, đồng thời tăng cường lực lượng an ninh để kiểm soát biên giới với Ý. Đáng chú ý, Ý ghi nhận lượng người nhập cư tăng vọt kể từ khi bà Meloni lên nắm quyền. Đến nay, có hơn 42.400 người di cư đặt chân lên đất Ý kể từ đầu năm 2023, so với khoảng 11.220 người cùng kỳ năm ngoái.
Cũng liên quan đến vấn đề di cư, tháng 2-2019, hai nước cũng xảy ra căng thẳng đến mức Pháp phải triệu Đại sứ Ý tại nước này, bước đi được cho là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước, để phản đối những chỉ trích của Phó Thủ tướng Ý lúc bấy giờ là ông Di Maio về chính sách của Pháp ở châu Phi, trong đó kêu gọi EU trừng phạt Pháp vì đã đẩy người dân châu lục nghèo đói này từ bỏ quê hương để tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn ở “lục địa già”. Thậm chí, Phó Thủ tướng Ý Matteo Salvini lúc bấy giờ còn nhằm trực tiếp vào Tổng thống Macron khi bày tỏ ủng hộ người biểu tình “Áo vàng” xuống đường phản đối chính phủ của ông Macron?!
Diễn biến trên cho thấy, quan hệ Pháp - Ý liên tục rơi vào căng thẳng. Cho dù đã có những cuộc gặp hòa giải mới đây nhất vào tháng 3-2023 giữa lãnh đạo hai nước nhưng quan hệ giữa hai thành viên quan trọng của EU tiếp tục xấu đi nghiêm trọng, đặc biệt trong vấn đề người nhập cư.
TUYẾT MINH