Quốc tế

G7 tìm lời giải mới cho những bài toán cũ

08:29, 16/05/2023 (GMT+7)

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản được xem là dịp để các nhà lãnh đạo G7 tiếp tục tìm tiếng nói chung về cách giải quyết các thách thức nghiêm trọng tác động sâu sắc đến toàn cầu, nhất là vấn đề an ninh và kinh tế, vốn vẫn ở vòng luẩn quẩn trong thời gian qua.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (thứ hai, bên phải sang) công bố logo hội nghị thượng đỉnh G7 tại Tokyo. Ảnh: AP
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (thứ hai, bên phải sang) công bố logo hội nghị thượng đỉnh G7 tại Tokyo. Ảnh: AP

Theo Reuters, G7 sẽ tổ chức các cuộc thảo luận sâu rộng về biến đổi khí hậu, tình hình kinh tế toàn cầu, lạm phát và an ninh lương thực khi đánh giá tác động của chiến sự ở Ukraine. Dù chương trình nghị sự trải dài ở nhiều khía cạnh nhưng tâm điểm của hội nghị lần này xoay quanh cách G7 bàn thảo những vấn đề “nóng” nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga.

Tiếp tục siết trừng phạt Nga

Hội nghị diễn ra từ ngày 19 đến 21-5 tại Hiroshima thu hút sự chú ý khi nhiều khả năng các nước G7 sẽ áp thêm lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Nga, song song với nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp thêm vũ khí, hỗ trợ chính trị và tài chính cho Ukraine. Theo Reuters, G7 sẽ thực hiện các biện pháp nhằm vào việc né tránh các lệnh trừng phạt liên quan đến nước thứ ba; tìm cách làm suy yếu hoạt động sản xuất năng lượng và xuất khẩu trong tương lai của Nga; hạn chế các hoạt động thương mại liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine…, qua đó tiếp tục gây sức ép lên Moscow nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Đáng chú ý, quan chức Mỹ còn kỳ vọng G7 đồng ý điều chỉnh cách tiếp cận với các lệnh trừng phạt. Được biết, các nước hiện vẫn xuất khẩu mọi mặt hàng sang Nga trừ khi chúng bị cấm công khai. Tuy nhiên, Mỹ trước đó thúc giục các đồng minh G7 nhanh chóng đảo ngược phương thức này. Theo đó, Washington muốn hàng hóa sẽ bị cấm xuất khẩu hoàn toàn trước, sau đó mới xem xét có nên miễn trừ hay không. Với tính toán này, Nga được cho là sẽ khó tìm ra lỗ hổng để lách lệnh trừng phạt. Trong khi các đồng minh vẫn chưa nhất trí với cách tiếp cận này, Mỹ hy vọng một số lĩnh vực cụ thể liên quan đến công nghiệp quốc phòng của Nga sẽ bị áp dụng trừng phạt. Theo giới quan sát, kể cả khi tuyên bố chung của G7 thay đổi và cho phép cách làm của Mỹ, lệnh cấm chưa chắc có hiệu lực ngay lập tức hoặc thay đổi được lập trường của Nga.

Tăng cường khả năng cạnh tranh với Trung Quốc

Theo Bloomberg, cuộc họp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Trung ương G7 vừa qua, vốn được xem là “màn dạo đầu” của hội nghị thượng định, có sự tham gia của các đối tác đại diện của các nền kinh tế mới nổi ở Nam bán cầu. Đây được xem là tính toán của G7 nhằm cố gắng cải thiện quan hệ kinh tế trong bối cảnh tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực rộng lớn này. Các quan chức Nhật Bản và Mỹ cũng cho biết, họ muốn xây dựng mặt trận G7 thống nhất và hợp tác để tạo thế cân bằng về kinh tế - thương mại với Trung Quốc. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh các bên nỗ lực tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, đặc biệt là để các nước đang phát triển đa dạng hóa nguồn cung và loại bỏ sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với các sản phẩm quan trọng.

Theo Reuters, trên cương vị chủ tịch G7 năm 2023, Nhật Bản đang dẫn đầu kế hoạch thiết lập quan hệ đối tác cùng có lợi giữa các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp với các nước tiên tiến để củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu. G7 cũng sẽ hỗ trợ các quốc gia về mặt kỹ thuật và tài chính để thực hiện các hoạt động sản xuất sinh lợi hơn. “Chúng tôi đang hướng tới đa dạng hóa chuỗi cung ứng để chúng không bị tập trung ở một số quốc gia, cụ thể như Trung Quốc”, một quan chức G7 nói. G7 sẽ thống nhất về kế hoạch tập hợp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có thể đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng ở các mức độ khác nhau đối với các sản phẩm liên quan đến năng lượng, bằng cách tham gia tinh chế khoáng sản và chế biến để sản xuất và lắp ráp.

Những cải tiến nhanh chóng về trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ được bàn thảo tại hội nghị. Theo Kyodo, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, nước này muốn tiên phong trong việc tạo ra các quy tắc sử dụng AI. AI có tiềm năng thay đổi tích cực nền kinh tế và xã hội, và song cũng đem đến rủi ro. G7 cam kết áp dụng các chính sách AI “dựa trên rủi ro” và “lấy con người làm trung tâm”.

Đáng chú ý, việc nước chủ nhà Nhật Bản tổ chức hội nghị tại Hiroshima sẽ tạo động lực cho nỗ lực đạt được mục tiêu hiện thực hóa mục tiêu “thế giới không còn vũ khí hạt nhân” bằng cách thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về tác động tàn phá của bom nguyên tử, khi mà mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng đáng lo ngại.

TUYẾT MINH - THƯ LÊ

.