Quốc tế
Trí tuệ nhân tạo giúp người bị liệt có thể đi lại
Theo báo cáo khoa học mới nhất trên tạp chí Nature, một người đàn ông bị liệt đã lấy lại được khả năng đi lại nhẹ nhàng với sự hỗ trợ của “cầu nối kỹ thuật số” khôi phục sự kết nối giữa não và tủy sống. Phương pháp này về cơ bản dựa trên kết nối giữa cột sống bị tổn thương với não, qua đó để não có thể ra hiệu lệnh cho bộ phận tủy sống điều khiển việc đi lại.
Sau khi bị chấn thương tủy sống trong một vụ tai nạn xe đạp, Gert-Jan Oskam (40 tuổi) người Hà Lan bị liệt 2 chân hơn chục năm nay. Sau khi được cấy ghép thiết bị, giờ đây anh có thể đi lại một cách tự nhiên, thậm chí leo cầu thang. Bước tiến khoa học này là kết quả hơn 10 năm làm việc của một nhóm các nhà nghiên cứu tại Pháp và Thụy Sĩ.
Giáo sư Grégoire Courtine, chuyên gia thần kinh Thụy Sĩ và là đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi ghi lại các tín hiệu do não phát ra, và giải mã các tín hiệu này bằng trí tuệ nhân tạo (AI), giúp dự đoán suy nghĩ của bệnh nhân, rồi mã hóa trở lại các tín hiệu này để kích thích tủy sống thực hiện động tác mà bệnh nhân muốn”. Hiện nhóm nghiên cứu đang xem xét khả năng áp dụng công nghệ này cho phục hồi chức năng ở cánh tay và bàn tay, đồng thời hy vọng ứng dụng trong điều trị các bệnh khác như chứng tê liệt do đột quỵ. Năm ngoái, nhóm nghiên cứu chứng minh cấy ghép tủy sống, truyền các xung điện để kích thích chuyển động ở cơ chân, có thể giúp 3 bệnh nhân bị liệt đi lại được.
NGHI VĂN