Quốc tế

Vụ tấn công gây chấn động Nhật Bản

10:31, 27/05/2023 (GMT+7)

Ngày 26-5, Nhật Bản bắt giữ nghi phạm trong vụ tấn công bằng dao và súng làm chết 4 người ở thành phố Nakano vào chiều tối một ngày trước. Dĩ nhiên, đa số người dân thở phào sau khi nghi phạm sa lưới nhưng quan điểm về một nước Nhật bình yên tuyệt đối như trước đây tiếp tục bị lung lay sau sự vụ này.

Cảnh sát đứng gác gần hiện trường vụ tấn công ở Nakano, miền trung Nhật Bản, vào ngày 25-5.Ảnh: Kyodo
Cảnh sát đứng gác gần hiện trường vụ tấn công ở Nakano, miền trung Nhật Bản, vào ngày 25-5. Ảnh: Kyodo

Đây là vụ án chấn động tại đất nước có tỷ lệ giết người thấp và kiểm soát súng vô cùng nghiêm ngặt như Nhật Bản. Theo Japan Times, nghi phạm được xác định là Masanori Aoki, 31 tuổi, con trai cả của ông Masamichi Aoki, Chủ tịch Hội đồng thành phố Nakano, tỉnh Nagano, miền trung Nhật Bản. Ngay sau vụ việc, người dân được khuyến cáo không nên rời nhà nếu không cần thiết, trong khi học sinh tại các trường tiểu học và trung học được yêu cầu sơ tán đến nơi an toàn. Khoảng 60 người người dân sống trong bán kính 300m gần hiện trường đã được sơ tán đến phòng tập thể dục của trường trung học cơ sở, nơi các quan chức địa phương cung cấp nơi trú ẩn, chăn màn, thức ăn và đồ uống.

Một người đàn ông nói với NHK: “Thật buồn khi chuyện như thế này lại xảy ra trong khu phố của tôi. Cả đêm tôi không thể ngủ được”. Trong khi, những người khác đặt câu hỏi: liệu đất nước có cần chuẩn bị cho nhiều cuộc tấn công như thế này xảy ra hay không?.

Các nhà chức trách đang khẩn trương điều tra động cơ tấn công của nghi phạm. “Khoảng 100 điều tra viên đang làm việc để làm rõ toàn bộ mức độ của vụ việc cực kỳ nghiêm trọng này”, cảnh sát trưởng Nagano Iwao Koyama nói. Đây là vụ án gây chấn động không chỉ người dân khu vực mà còn gây ra mối bất an cao độ trong xã hội Nhật Bản, một trong những quốc gia an toàn hàng đầu thế giới.  Đất nước với 125 triệu dân này thuộc nhóm nước có tỷ lệ tội phạm liên quan đến súng thấp nhất thế giới. Năm 2018, chỉ có 9 trường hợp tử vong do súng được báo cáo.

Đáng chú ý, 2 nhân viên cảnh sát nằm trong số 4 nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công ở Nagano ngày 25-5. Đây cũng là thực tế đáng lo ngại bởi các vụ tấn công cảnh sát thậm chí còn hiếm hơn ở nước Đông Á này, với vụ cuối cùng diễn ra hơn 30 năm trước.

Theo NHK, đối tượng Aoki có giấy phép từ năm 2015 để sở hữu bốn khẩu súng săn, bao gồm súng ngắn và súng hơi. Được biết, luật súng nghiêm ngặt ở Nhật Bản khiến việc sở hữu súng trường gần như là không thể. Theo The Guardian, sau Thế chiến 2, chủ nghĩa hòa bình nổi lên như một trong những triết lý điều hành tại Nhật Bản. Năm 1946, cảnh sát bắt đầu được trang bị súng theo yêu cầu của quân đội Mỹ vì mục đích an ninh. Luật Kiểm soát súng và kiếm của Nhật Bản từ năm 1958 quy định “không ai được sở hữu các loại súng và dao kiếm”. Quyền sở hữu dân sự đối với súng ngắn bị cấm. Số ít trường hợp ngoại lệ là súng ngắn để săn bắn và phục vụ thể thao nhưng trong điều kiện bị hạn chế nghiêm ngặt. Ngay cả với cảnh sát Nhật Bản, họ cũng không được trang bị vũ khí theo cách thức quân sự như ở một số quốc gia khác.

Năm ngoái, dân chúng Nhật Bản bàng hoàng khi cố Thủ tướng Abe Shinzo bị bắn chết ngay giữa ban ngày. Sự vụ này gây ra làn sóng chấn động khắp nước này và cộng đồng quốc tế, đồng thời làm dấy lên câu hỏi về việc liệu có đủ biện pháp an ninh để bảo vệ các yếu nhân hay không dù Nhật Bản được xem là nơi an toàn khi các vụ bạo lực chính trị hầu như không xảy ra. Tiếp đến, tháng 4-2023, đương kim Thủ tướng Kishida Fumio cũng bị ném ống chất nổ trong lúc đi vận động tranh cử ở thành phố Wakayama.

Quy trình kiểm soát súng cực kỳ nghiêm ngặt

Quy trình để sở hữu súng ở Nhật Bản gồm 13 bước, để đủ điều kiện được cấp giấy phép sử dụng súng, những người mua tiềm năng phải tham gia khóa học về săn bắn hoặc bắn súng, vượt qua bài kiểm tra viết và bài kiểm tra trường bắn với độ chính xác ít nhất 95%. Họ cũng phải trải qua đánh giá sức khỏe tâm thần và kiểm tra tiền sử sử dụng ma túy, cũng như kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt, bao gồm xem xét tiền án, nợ cá nhân, tham gia vào tội phạm có tổ chức và các mối quan hệ với gia đình và bạn bè. Sau khi lấy được súng, chủ sở hữu phải đăng ký súng với cảnh sát và cung cấp thông tin chi tiết về nơi cất giữ súng và đạn dược. Súng phải được cảnh sát kiểm tra mỗi năm một lần, và chủ sở hữu súng phải tham gia lại khóa học và tham dự kỳ thi 3 năm một lần để gia hạn giấy phép sử dụng. Nếu chủ sở hữu qua đời, người thân phải giao nộp súng cho chính phủ.

THƯ LÊ

.