Quốc tế

Thủ tướng Trung Quốc thăm Đức và Pháp: Khi lợi ích song trùng

10:02, 22/06/2023 (GMT+7)

Chuyến thăm Đức và Pháp từ ngày 18 đến 23-6 của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường diễn ra sau chuyến công du châu Âu “tiền trạm” gần đây của các quan chức nước này càng cho thấy Bắc Kinh muốn xích lại gần hơn với châu Âu để thúc đẩy đa cực hóa trật tự thế giới trong lúc “lục địa già” muốn giảm phụ thuộc Mỹ và vẫn cần Trung Quốc để thúc đẩy lợi ích kinh tế.

 
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên phải) tại lễ đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở Berlin ngày 19-6. Ảnh: SCMPThủ tướng Đức Olaf  Scholz (bên phải) tại lễ đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở Berlin ngày 19-6. Ảnh: SCMP

Theo AP, ngày 20-6, Thủ tướng Lý Cường dự các cuộc tham vấn liên chính phủ với Đức, sau đó tới Pháp thăm chính thức và dự hội nghị tài chính diễn ra từ ngày 22 đến 23-6. Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường đến hai nền kinh tế đầu tàu châu Âu có hai mục tiêu chính. Thứ nhất, Trung Quốc muốn tăng tường hình ảnh của mình ở Tây Âu và củng cố các dự án tự chủ chiến lược của châu Âu có kết nối đến nước này. Thứ hai, Trung Quốc thúc đẩy hiệu quả quan hệ với châu Âu khi lục địa này chủ trương đa phương hóa thương mại và tỏ ra miễn cưỡng với các mối liên kết lâu nay với Mỹ.

Đưa quan hệ Trung Quốc - Đức lên tầm cao mới

Đáng chú ý, việc chọn Đức là điểm dừng chân trước nhất của ông Lý Cường trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị thủ tướng cho thấy Trung Quốc rất coi trọng quan hệ với Đức. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Đức và là thị trường trọng điểm để các công ty Đức xuất khẩu hàng hóa cũng như mua sắm nguyên vật liệu.

Theo Tân Hoa xã, tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Olaf Scholz ở Berlin ngày 20-6, Thủ tướng Lý Cường khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Berlin để đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Trong khi đó, Thủ tướng Lý Cường nhận định, cuộc tham vấn liên chính phủ lần thứ 7 giữa hai nước, sự kiện phản ánh ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ song phương, đã diễn ra hiệu quả và thiết thực, và đạt một số kết quả khả quan. Trung Quốc và Đức nên trở thành đối tác tin cậy trong phát triển xanh, thúc đẩy công nghệ năng lượng xanh, đồng thời tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như phương tiện năng lượng mới, tài chính xanh...

Về phần mình, Thủ tướng Scholz tái khẳng định, Đức bác bỏ mọi hình thức tách khỏi Trung Quốc và muốn thúc đẩy hợp tác song phương để góp phần duy trì sự ổn định của sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu vì sự phát triển và thịnh vượng của thế giới. Chính phủ Đức cam kết bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp Trung Quốc kinh doanh tại đây. Sau cuộc tham vấn, lãnh đạo hai nước chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác song phương trong các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, đổi mới sáng tạo, sản xuất tiên tiến và giáo dục nghề nghiệp.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Lý Cường gặp CEO các tập đoàn hàng đầu của Đức, trong đó các Mercedes-Benz và Siemens Energy nhằm tranh thủ kêu gọi các nguồn đầu tư từ nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Theo Euronews, sau nhiều tháng tranh cãi, Chính phủ Đức phê chuẩn cho phép Công ty Vận tải biển Trung Quốc (Cosco) tham gia với tỷ lệ 24,9% cổ phần tại cảng của Công ty cảng Hamburg (HHLA), nơi tập trung các luồng hàng hóa giữa châu Á và châu Âu.

Thúc đẩy đa cực hóa

Theo giới quan sát, Pháp và Đức muốn tìm cách “bắt tay” với Trung Quốc để cùng thúc đẩy chủ trương đa cực hóa trật tự thế giới. Pháp, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bắt đầu kêu gọi tự chủ chiến lược sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng 4-2023. Theo đó, ông Macron bị các đối tác phương Tây chỉ trích về nhận xét gây tranh cãi về việc châu Âu nên tránh đi theo sự dẫn dắt của Washington, thậm chí không nên trở thành “chư hầu” của Mỹ. Tương tự, theo DW, phát biểu trước Nghị viện châu Âu vào tháng 5-2023, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng kêu gọi EU “mở rộng và cải tổ”, trong đó ưu tiên tìm kiếm sự hợp tác toàn cầu hơn trên cơ sở bình đẳng.

Trong hai ngày 22 và 23-6, Thủ tướng Lý Cường tham dự hội nghị hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới, theo sáng kiến của Tổng thống Pháp. Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 300 lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế và đại diện doanh nghiệp. Hội nghị nhằm thiết lập cấu trúc tài chính quốc tế đủ mạnh để cung cấp nhiều nguồn lực mạnh hơn, bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất khỏi những cú sốc kinh tế toàn cầu như biến đổi khí hậu, hiện thực hóa Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), thúc đẩy xu hướng giảm nghèo dài hạn và khôi phục không gian tài khóa giải quyết “bom nổ chậm” nợ công toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia mắc nợ nhiều nhất…Sự kiện tiếp tục cho thấy Pháp muốn khẳng định vai trò là nhà môi giới quốc tế công bằng, góp phần giúp giải quyết một số vấn đề phức tạp nhất vào thời điểm hiện nay.

THƯ LÊ

.