Quốc tế

Mỹ tăng cường hợp tác với Ấn Độ để tạo đối trọng

08:55, 04/07/2023 (GMT+7)

Từ khi chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump gia tăng cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc, nhất là những năm tiếp theo chịu tác động của Covid-19 vốn làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, Washington tìm kiếm các đối tác mới ở châu Á để thay thế. Một trong những đối tác mà Mỹ hướng đến đó là Ấn Độ.

Ấn Độ không chỉ là thành viên của Nhóm Bộ tứ (QUAD) trong chiến lược châu Á-Thái Bình Dương với Mỹ, nằm ở Trung Á với vị trí quan trọng đặc biệt, có tiềm lực khoa học- công nghệ tiên tiến, thị trường tiêu thụ năng lượng và vũ khí khổng lồ... Mỹ còn là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, vượt tổng khối lượng thương mại của Ấn Độ với các đối tác thương mại truyền thống như Trung Quốc, với kim ngạch hai chiều tăng lên 119,5 tỷ USD trong năm tài chính 2021-2022. Hiện, thương mại song phương giữa Mỹ và Ấn Độ tăng đáng kể 48,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vừa qua là bước ngoặt cho quan hệ song phương, mở ra cơ hội hợp tác sâu hơn, trong đó thương mại đầu tư, công nghệ, quốc phòng là những lĩnh vực trọng điểm. Washington và New Delhi cho rằng, hợp tác song phương sẽ phục vụ lợi ích toàn cầu khi phối hợp thông qua một loạt nhóm đa phương và khu vực, đặc biệt là QUAD, để góp phần xây dựng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và mạnh mẽ.

Trong các thỏa thuận hợp tác, đáng chú ý, hai bên đồng ý chấm dứt 6 tranh chấp thương mại tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan pin và module năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo, thép và nhôm. Ấn Độ cũng dỡ bỏ thuế đối với một số sản phẩm của Mỹ. Ngược lại, Mỹ nới lỏng quy định cấp và gia hạn thị thực cho những người lao động Ấn Độ có kỹ năng.

Hai nước cũng thúc đẩy quan hệ đối tác đổi mới về phát triển 5G và 6G, chuỗi cung ứng chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Trong đó, chuỗi cung ứng chất bán dẫn là lĩnh vực mà Washington hết sức quan tâm tập hợp các đồng minh nhằm kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chẳng hạn, Tập đoàn Micron Technology (Mỹ) sẽ đầu tư 825 triệu USD để xây dựng cơ sở thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn mới ở Ấn Độ. Về năng lượng, công ty mới, do hãng sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Vikram Solar (Ấn Độ) hậu thuẫn, thông báo đầu tư 1,5 tỷ USD vào chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời tại Mỹ.

Ngoài ra, hợp tác mang tính bước ngoặt giữa General Electric (Mỹ) và Hindustan Aeronautics Limited (Ấn Độ) mở đường cho những thỏa thuận chuyển giao công nghệ động cơ phản lực của Mỹ trong tương lai và ràng buộc ngành công nghiệp quốc phòng của hai nước trong nhiều năm tới. Về quân sự, ngoài các thương vụ về vũ khí lên tới hàng tỷ USD, tàu hải quân Mỹ trong khu vực có thể cập cảng nhà máy đóng tàu Ấn Độ để sửa chữa theo thỏa thuận hàng hải. Ấn Độ sẽ mua máy bay không người lái có trang bị vũ khí MQ-9B SeaGuardian do Mỹ sản xuất...

Đánh giá về hợp tác Mỹ - Ấn Độ, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho rằng, New Dehli là đối tác then chốt và quan trọng của Washington, không chỉ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà còn toàn cầu. CNN nhận định, Ấn Độ là trụ cột trong chiến lược của Tổng thống Biden ở châu Á. Theo ông Biden, không có thách thức toàn cầu lớn nào từ biến đổi khí hậu đến tiến bộ trong công nghệ có thể được giải quyết nếu không có sự ủng hộ của Ấn Độ. Trong lúc căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, có rất ít đối tác mà ông Biden mong muốn vun đắp như Ấn Độ.

Giữa thời điểm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chứng kiến thay đổi cán cân chiến lược mạnh mẽ, Ấn Độ và Mỹ thấy nhiều điểm tương đồng về lợi ích để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Dù có khác biệt, trong đó có lựa chọn của Ấn Độ trong quan hệ với Nga, với nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) hay trong vấn đề Ukraine... có thể khiến Washington không hài lòng, thậm chí bất đồng sâu sắc, thì đó cũng không phải là rào cản không thể vượt qua đối với Mỹ để gia tăng hợp tác nhằm tạo dựng một đồng minh có khả năng làm đối trọng với các đối thủ, mà Trung Quốc là mục tiêu chính.

TUYẾT MINH

.