Quốc tế

Sứ mệnh được kỳ vọng của Bộ trưởng Tài chính Mỹ

07:13, 07/07/2023 (GMT+7)

Ngày 5-7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tới Bắc Kinh (Trung Quốc) trong nỗ lực mới nhất và rõ ràng hơn nữa của Washington để tìm giải pháp cải thiện quan hệ song phương với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong (bên phải) gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại Mỹ ngày 3-7, trước chuyến thăm Trung Quốc của bà Yellen. Ảnh: CGTN
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong (bên phải) gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tại Mỹ ngày 3-7, trước chuyến thăm Trung Quốc của bà Yellen. Ảnh: CGTN

Như vậy, sau thời gian dài gần như không có các cuộc gặp gỡ, trao đổi cấp cao, quan hệ Mỹ - Trung Quốc bắt đầu chứng kiến sự trở lại của ngoại giao song phương với các chuyến thăm Trung Quốc của hai quan chức lớn trong Chính phủ Mỹ: Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.

Bà Yellen sẽ gặp thuận lợi hơn?

Chuyến thăm của bà Yellen từ ngày 6 đến 9-7 diễn ra khoảng hơn hai tuần sau chuyến công du tháng trước của Ngoại trưởng Blinken. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh vừa thông báo kiểm soát xuất khẩu một số sản phẩm gallium và germanium, những kim loại thiết yếu trong sản xuất xe điện và chất bán dẫn, để phản ứng việc Washington chặn xuất khẩu công nghệ sản xuất chip cho Trung Quốc mùa hè năm nay.

Ngay trước chuyến thăm của bà Yellen, ngày 3-7, ông Tạ Phong, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, gặp bà Yellen để trao đổi những vấn đề chính mà Bắc Kinh mong muốn có thể được giải quyết. Theo CGTN, ông Tạ Phong hối thúc Washington giải quyết những quan ngại của Trung Quốc về kinh tế, thương mại. Tại cuộc gặp, ông Tạ Phong lưu ý: quan hệ Trung Quốc - Mỹ lành mạnh và ổn định sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước và cũng là kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế.

Bloomberg dẫn bình luận của “cây bút” Minxin Pei về chuyến thăm của bà Yellen, cho rằng, bà có thể nhận sự tiếp đón nồng ấm hơn so với ông Blinken bởi nói chung Bắc Kinh vẫn thích làm việc với các quan chức kinh tế Mỹ hơn và muốn tập trung các thỏa thuận có thể thúc đẩy kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc quý 2-2023 dự báo thấp hơn một chút so với ước tính. Hoạt động sản xuất giảm trong tháng 4 và tháng 5-2023, trong khi xuất khẩu cũng giảm. Theo đó, thay vì trạng thái phục hồi mạnh mẽ tháng 12-2022 sau khi chấm dứt chính sách Zero-Covid, lúc này kinh tế Trung Quốc dường như đang chững lại.

Vì lẽ đó, giới quan sát cho rằng, khi thăm Trung Quốc lúc này, bà Yellen sẽ thuận lợi hơn để thúc đẩy và kêu gọi Trung Quốc theo đuổi lộ trình hợp tác linh hoạt hơn cũng như bảo vệ doanh nghiệp Mỹ tại nước này nhiều hơn. Ngoài ra, Trung Quốc có thể sẽ yêu cầu Washington nới lỏng hoặc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt về công nghệ, cũng như xóa bỏ mức thuế quan rất cao áp lên hàng Trung Quốc vốn có từ thời cựu Tổng thống Donald Trump và tiếp tục dưới thời Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Không thể chia tách

Bloomberg cho rằng, mục tiêu tới Trung Quốc lần này của bà Yellen là tìm kiếm những lĩnh vực kinh tế chung và các kênh liên lạc mở giữa hai nước trong bối cảnh quan hệ hai nước vẫn còn nhiều sóng gió. Đây cũng sẽ là “bài kiểm tra lớn” đầu tiên với chính sách bà Yellen đưa ra tháng 4-2023 với mục tiêu vẫn có thể bảo vệ và bảo đảm an ninh quốc gia Mỹ mà không phải cố kiềm chế Trung Quốc về kinh tế.

Lâu nay, bà Yellen được nhìn nhận là quan chức có quan điểm mềm dẻo, linh hoạt trong quan hệ với Trung Quốc. Bà cho rằng, việc chia tách hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là thảm họa. Thực tế, bà Yellen có ý định tới Bắc Kinh từ nhiều tháng trước nhưng do hàng loạt căng thẳng gia tăng, nhất là kể từ sau việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu đi lạc của Trung Quốc, nên kế hoạch này bị đình lại cho tới ngày 5-7.
Theo giới quan sát, Ngoại trưởng Blinken trở về “tay trắng” sau chuyến thăm Trung Quốc tháng trước. Dù ông Blinken gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng Trung Quốc cũng vẫn từ chối nối lại các đối thoại quân sự để có thể ngăn chặn và phòng ngừa những hiểu lầm, tính toán sai. Trước đó, nước châu Á này cũng cấm một phần việc bán các sản phẩm của nhà sản xuất chip lớn nhất của Mỹ là Micron Technology tại thị trường tỷ dân.

Wall Street Journal cho rằng, có lẽ chính quyền của ông Biden nên nới lỏng chính sách thuế quan với Trung Quốc bởi điều đó chỉ gây hại cho người tiêu dùng Mỹ nhiều hơn chứ không thay đổi cách hành xử của Trung Quốc theo hướng Washington mong muốn. Trong khi đó, bài bình luận của Bloomberg nhấn mạnh quan điểm, nếu Trung Quốc nới lỏng hơn các chính sách quan hệ với Mỹ, họ sẽ khiến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế yên tâm và tự tin hơn. Và nói gì thì nói, Trung Quốc vẫn cần đầu tư nước ngoài và công nghệ phương Tây. Bắc Kinh cũng muốn Washington ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” của họ.

"Các mối quan hệ vẫn chưa cải thiện nhưng phía Mỹ đã ngày càng nhận ra, cũng như châu Âu đã thừa nhận mức độ lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế với Trung Quốc đã ở mức mà việc chia tách là không thể”. Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Natixis, bình luận về quan hệ Mỹ - Trung Quốc

TRẦN ĐẮC LUÂN

.