Quốc tế

Ông Srettha Thavisin trở thành tân Thủ tướng Thái Lan

06:57, 23/08/2023 (GMT+7)

Ngày 22-8, Quốc hội Thái Lan bầu ông Srettha Thavisin làm Thủ tướng mới, qua đó mở đường tiến trình thành lập chính phủ liên minh mới, đồng thời chấm dứt nhiều tháng bất ổn và bế tắc chính trị kể từ cuộc tổng tuyển cử cách đây hơn 3 tháng.

Ông Srettha Thavisin được bầu làm Thủ tướng Thái Lan sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội ngày 22-8. Ảnh: Reuters. Dữ liệu: AP. Đồ họa: MAI ANH
Ông Srettha Thavisin được bầu làm Thủ tướng Thái Lan sau cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội ngày 22-8. Ảnh: Reuters. Dữ liệu: AP. Đồ họa: MAI ANH

Cuộc bầu chọn thủ tướng diễn ra cùng ngày cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trở về quê nhà sau gần 17 năm lưu vong. Giới quan sát nhận định, động thái này không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà nằm trong tính toán của ông Thaksin nhằm thuyết phục các thượng nghị sĩ ủng hộ ông Srettha, ứng cử viên thủ tướng của đảng Pheu Thai. 

Cam kết vượt “gió ngược” để phục hồi kinh tế

Bangkok Post dẫn kết quả kiểm phiếu ngày 22-8 cho thấy, ông Srettha nhận 482 phiếu bầu, vượt ngưỡng cần thiết 375 để trở thành tân Thủ tướng. Trước đó, trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5-2023, đảng Pheu Thai về đích ở vị trí thứ hai, sau đảng Move Forward. Ông Srettha gia nhập cuộc đua sau khi Quốc hội ngăn ông Pita Limjaroenrat, lãnh đạo Move Forward, được tái đề cử làm ứng viên thủ tướng. Ông Srettha sẽ lãnh đạo liên minh gồm 11 đảng do Pheu Thai thành lập, trong đó có 2 đảng thân quân đội liên kết với Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prayut Chan-ocha.

Những thách thức đang chờ đợi Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan bao gồm xã hội bị phân cực sâu sắc bởi tình trạng hỗn loạn sau bầu cử, sự phục hồi kinh tế mong manh và khoản nợ hộ gia đình khổng lồ tăng lên mức kỷ lục trong thập niên qua, chiếm hơn 90% nền kinh tế trị giá gần 500 tỷ USD. Dù là người mới trong vũ đài chính trị nhưng ông Srettha được biết đến với những quan điểm thẳng thắn về chính sách của Chính phủ, các vấn đề xã hội và chính trị. Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Srettha bày tỏ ý định kích thích nền kinh tế vốn đang tụt hậu so với tốc độ tăng trưởng của các nước láng giềng và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. “Kẻ thù duy nhất của tôi là sự đói nghèo và tình trạng bất bình đẳng. Mục tiêu của tôi là cải thiện cuộc sống của toàn bộ người dân”, ông Srettha nói.

Tân Thủ tướng sẽ thúc đẩy sáng kiến “ví kỹ thuật số” cung cấp cho mỗi người dân từ 16 tuổi trở lên 10.000 baht/người nhằm kích thích chi tiêu; tăng 70% mức lương tối thiểu, bảo đảm thu nhập hộ gia đình 20.000 baht/tháng, qua đó giúp nâng mức tăng trưởng kinh tế lên 5%. Ông Srettha được kỳ vọng sẽ được các nhà đầu tư đánh giá cao nhờ cam kết kích thích kinh tế nổi bật. Citigroup nhận định, chính sách hỗ trợ tiền mặt và tăng lương tối thiểu sẽ có tác động tích cực và chính phủ do Pheu Thai lãnh đạo có thể giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng cao hơn. Pheu Thai cũng hứa cắt giảm giá điện, thúc đẩy nhiều hiệp định thương mại tự do để thu hút đầu tư nước ngoài; hợp pháp hóa casino để thu hút du khách quốc tế; hợp nhất các chính sách để mang lại lợi ích lớn nhất cho người dân.

Sự trở lại ấn tượng của Pheu Thai

Sự kiện ngày 22-8 là bước ngoặt mới nhất trong cuộc cạnh tranh quyền lực kéo dài gần hai thập niên giữa Pheu Thai, đảng đã giành chiến thắng trong 5 cuộc bầu cử trong lịch sử, và nhóm gồm những người theo xu hướng bảo thủ, tướng lĩnh và các gia đình giàu có vốn từ lâu đã có ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế nước Đông Nam Á này. Chiến thắng của ông Srettha cho thấy sự trở lại ấn tượng của Pheu Thai sau nhiều năm sóng gió trên chính trường. Năm 2006, ông Thaksin bị lật đổ và đối mặt với án tù vì tội tham nhũng, ông phải ra nước ngoài sinh sống. Em gái Yingluck trở thành nữ thủ tướng đầu tiên vào năm 2011 nhưng bị cách chức 3 năm sau đó sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết rằng bà đã lạm dụng chức vụ. Bà Yingluck sau đó cũng theo Thaksin ra sống ở nước ngoài.

Đến nay, giới doanh nghiệp Thái Lan luôn bày tỏ sự ủng hộ với Pheu Thai, hay chính xác hơn là các chính sách kinh tế hiệu quả của đảng này. Bangkok Post dẫn lời ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, nhận định: “Pheu Thai có kinh nghiệm điều hành đất nước với một số chính sách đã được thực hiện thành công. Đảng cũng có những nhân sự có khả năng và chuyên môn để quản lý nền kinh tế”.

Tòa án Tối cao tuyên án 8 năm tù giam đối với ông Thaksin
Ngày 22-8, Tòa án Tối cao Thái Lan ra phán quyết 8 năm tù giam đối với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra ngay sau khi ông trở về nước. Ông Thaksin từng làm Thủ tướng từ năm 2001-2006 trước lúc bị Chính phủ quân đội Thái Lan lật đổ. Cựu lãnh đạo cho rằng, việc trở về nhà thụ án không phải hành động phản bội đối với người ủng hộ ông, bởi điều đó không đồng nghĩa ông làm sai. “Tôi nên dành phần còn lại của cuộc đời bên con cháu,” ông Thaksin nói. Dù vắng mặt nhưng ông vẫn giữ sức ảnh hưởng lớn đối với chính trường nước này. Sự trở lại của chính trị gia nổi tiếng này và việc ông Srettha thăng tiến suôn sẻ lên vị trí cao nhất trong Chính phủ làm tăng suy đoán ông Thaksin có thể đã thỏa hiệp với quân đội về việc cho phép ông trở về an toàn và có thể được ra tù trước thời hạn.

THƯ LÊ

.