Quốc tế
Bộ trưởng Thương mại Mỹ mang theo thông điệp gì đến Trung Quốc?
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo thăm Trung Quốc từ ngày 27 đến 30-8 nhằm tiếp tục duy trì “rào chắn an toàn” cho quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước vốn được cho là đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với kinh tế toàn cầu.
Quan chức Trung Quốc đón Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo (thứ 2, bên trái sang) tại sân bay quốc tế Bắc Kinh. Ảnh: VCG |
Chuyến công du của Bộ trưởng Raimondo là hoạt động mới nhất trong hàng loạt chuyến thăm cấp cao của giới chức Mỹ đến Trung Quốc trong những tháng gần đây để hàn gắn quan hệ song phương, trong đó chủ yếu vẫn là kinh tế.
Ngày 28-8, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ Gina Raimondo tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào nhấn mạnh, quan hệ kinh tế Trung-Mỹ có ý nghĩa quan trọng không chỉ với hai nước mà còn đối với toàn thế giới. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác để thúc đẩy cơ chế chính sách thuận lợi hơn để tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư song phương theo cách ổn định và có thể đoán định được. Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Raimondo kêu gọi hai nước cần duy trì tính ổn định trong quan hệ kinh tế trong thời gian tới. Mỹ muốn có quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc và cốt lõi của việc đó là hai bên phải thường xuyên liên lạc để tránh xảy ra xung đột.
Một trong những tín hiệu tích cực là việc hai nước đã phối hợp thiết lập các cơ chế trao đổi thông tin và các nhóm công tác giúp bảo đảm sự can dự mang tính nhất quán hơn nữa trong quan hệ song phương. Trao đổi thương mại song phương hằng năm đạt hơn 700 tỷ USD. Đáng chú ý, quan chức Mỹ tuyên bố không thảo luận về các hạn chế xuất khẩu của Mỹ. “Tất nhiên, về các vấn đề an ninh quốc gia, không có chỗ cho sự thỏa hiệp hay đàm phán”, bà Raimondo nói.
Theo AP, trong chuyến thăm, bà Raimondo hy vọng thảo luận mang tính xây dựng về những vấn đề liên quan đến quan hệ thương mại Mỹ-Trung, những thách thức mà các doanh nghiệp Mỹ gặp phải khi hoạt động ở Trung Quốc và những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ nêu rõ quan điểm về một số vấn đề thương mại sắp xảy ra trong các cuộc gặp bà Raimondo.
Theo nghiên cứu mới được công bố ngày 26-8 tại hội nghị Jackson Hole do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tổ chức, thương mại của Mỹ đang ngày càng tách rời Trung Quốc do ảnh hưởng từ các chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump. Tuy vậy, kết luận được hai giảng viên kinh tế trường Harvard và trường Kinh doanh Tuck công bố tại hội nghị cho thấy, ở nhiều khía cạnh khác nhau, Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng liên quan đến Trung Quốc. Khối lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc từ 21,6% năm 2016 giảm xuống còn 16,5% vào năm 2022 nhưng Mỹ vẫn liên quan gián tiếp đến Trung Quốc trong chuỗi cung ứng “được tái phân bổ” do các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, cùng với chính sách công nghiệp mới được ban hành.
Có một nghịch lý rõ ràng là chính quyền Mỹ vừa áp đặt một loạt biện pháp hạn chế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu và một số lĩnh vực đầu tư sang Trung Quốc nhưng lại muốn thúc đẩy thương mại với nước châu Á này. Vì thế, các nhà quan sát dõi theo cách bà Raimondo sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn nào trong nghịch lý này trong chuyến công du, qua đó có thể xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo Nikkei Asia, trong động thái để chuyến đi của bà Raimondo bớt trở ngại, Mỹ đã quyết định gia hạn thêm 1 năm lệnh miễn trừ cho phép các hãng chip Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) xuất khẩu thiết bị, công nghệ chip tiên tiến sang Trung Quốc đại lục. Giới phân tích nhận định, quyết định này sẽ ngăn chặn sự gián đoạn đang lan rộng trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu, đồng thời phần nào xoa dịu căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
New York Times nhận định, chuyến thăm Trung Quốc của bà Raimondo có thể sẽ là “minh chứng rõ ràng nhất cho hành động cân bằng mà chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng tạo ra trong mối quan hệ với Trung Quốc”. Thông báo từ Bộ thương mại Mỹ cũng nêu rõ, chuyến thăm của bà Raimondo là sẽ củng cố cho thỏa thuận thúc đẩy liên lạc song phương trong một loạt lĩnh vực mà Tổng thống Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được trong cuộc gặp tháng 11-2022.
Theo giới quan sát, nhiều khả năng chuyến thăm của bà Raimondon sẽ không tạo bước đột phá đáng kể nào để tháo gỡ hàng loạt bất đồng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung hiện nay mà chủ yếu đưa ra những quan điểm của nhau về “bảo vệ lợi ích cốt lõi” hoặc có thể đồng ý thành lập nhóm công tác để giải quyết một số vấn đề bao gồm kiểm soát đầu tư và xuất khẩu giải mà hai bên có thể chấp nhận được để cố gắng ngăn căng thẳng vượt tầm kiểm soát. Có thể nói, các chuyến thăm cấp cao gần đây của quan chức Mỹ tới Trung Quốc chỉ được nhìn nhận như động thái tích cực từ Chính phủ Mỹ trong nỗ lực theo đuổi mục tiêu đối thoại nhằm tạo môi trường tốt hơn cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
TUYẾT MINH