Quốc tế

Ba Lan trước vụ bê bối thị thực chấn động

08:00, 22/09/2023 (GMT+7)

Chính trường Ba Lan “rung chuyển” trước vụ bê bối nhận hối lộ để đổi lấy thị thực. Vụ việc có nguy cơ gây tổn hại danh tiếng của đảng cánh hữu cầm quyền trước thềm cuộc tổng tuyển cử, đồng thời gây lục đục trong quan hệ giữa nước này và các nước láng giềng ở châu Âu.

Chính trường Ba Lan rung chuyển bởi cáo buộc cho rằng lãnh sự quán nước này nhận hối lộ để cấp thị thực cho người châu Phi và châu Á, mở cửa cho người di cư vào EU. Ảnh: AP
Chính trường Ba Lan rung chuyển bởi cáo buộc cho rằng lãnh sự quán nước này nhận hối lộ để cấp thị thực cho người châu Phi và châu Á, mở cửa cho người di cư vào EU. Ảnh: AP

Theo giới quan sát, bê bối chấn động nhiều khả năng khiến quá trình thành lập chính phủ càng thêm trắc trở sau cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 15-10. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt nước láng giềng Đức, gây sức ép đòi Warsaw “làm rõ” nhanh chóng và đầy đủ vụ việc.

Tranh cãi về mức độ của vụ bê bối

Theo truyền thông nước này, Bộ Ngoại giao Ba Lan có liên quan bê bối nói trên khi dường như tạo điều kiện bất hợp pháp về việc cấp thị thực cho một số công dân ngoài EU trong vài năm qua, qua đó “tiếp tay” đẩy làn sóng di cư đổ xô vào châu Âu tăng lên.

Đảng đối lập Nền tảng dân sự gọi đây là “vụ bê bối lớn nhất ở Ba Lan trong thế kỷ 21”. Trong động thái đáp trả, đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền cho rằng, truyền thông và đảng đối lập đang cố tình thổi phồng mức độ của vụ bê bối. Chính phủ Ba Lan xác nhận, vụ bê bối chỉ liên quan khoảng vài trăm thị thực lao động của nước này chứ không phải lên đến vài trăm ngàn trường hợp như phe đối lập tố cáo.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Ba Lan và mạng lưới lãnh sự quán bị cáo buộc tiến hành kế hoạch bất hợp pháp diện rộng, qua đó những người di cư từ châu Phi và châu Á phải trả những khoản tiền lớn để có thị thực nhanh chóng. Theo phe đối lập, cơ quan lãnh sự của nước này cấp khoảng 250.000 thị thực cho người di cư từ châu Á và châu Phi kể từ năm 2021 và nhận khoản hối lộ vài nghìn USD cho mỗi người.

Ba Lan hiện là thành viên của khu vực miễn thị thực Schengen, một khu vực ở Châu Âu cho phép người dân tự do đi lại. Việc nhận thị thực ở Ba Lan cũng được coi là bước trung gian trước khi vào “miền đất hứa” Mỹ. Trong một trường hợp được cổng thông tin Onet phanh phui, một nhóm người Ấn Độ trả tới 40.000 USD để xin thị thực và giả vờ làm việc trong một bộ phim Bollywood để bay đến Ba Lan và sau đó đến Mỹ. Các công dân từ Hồng Kông (Trung Quốc) Saudi Arabia, Singapore, Philippines, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng phải trả phí cao.

Việc đưa ra ánh sáng vụ bê bối là đòn giáng vào đảng PiS cầm quyền đang tìm cách giành nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 15-10. Đáng chú ý, hàng loạt cáo buộc có thể làm ảnh hưởng đến mức độ tín nhiệm của Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, người tập trung các chính sách di cư cứng rắn trong chiến dịch tái tranh cử của mình.

Cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Ba Lan sa thải người đứng đầu cơ quan dịch vụ pháp lý và hủy bỏ tất cả hợp đồng với những đơn vị xử lý đơn xin thị thực. Trước đó, 7 người bị buộc tội sau khi các quan chức chống tham nhũng điều tra vụ bê bối khám xét Bộ Ngoại giao Ba Lan và một thứ trưởng ngoại giao cũng bị cách chức.

EU yêu cầu “làm rõ”

Theo Reuters ngày 20-9, Ylva Johansson, Ủy viên châu Âu về các vấn đề nội bộ, viết thư yêu cầu chính quyền Ba Lan cung cấp thông tin cần thiết cho Ủy ban châu Âu và điều tra những cáo buộc nói trên. EU ấn định ngày 3-10 là hạn chót để Ba Lan đưa ra câu trả lời đầy đủ. Theo ông Johansson, hành vi rất đáng lo ngại của chính quyền Ba Lan có thể đồng nghĩa với việc vi phạm luật pháp EU và đặc biệt là Luật Thị thực EU.

Đức, quốc gia giáp Ba Lan, ngay lập tức yêu cầu giải thích chính thức về vấn đề này. Đức yêu cầu Ba Lan làm rõ khẩn cấp về số lượng thị thực có thể đã được cấp và quốc tịch của những người nhận và thúc giục Warsaw có biện pháp đối phó nhanh chóng. Ngoài ra, Đức tăng cường hàng trăm cảnh sát tới biên giới với  Ba Lan trong bối cảnh làn sóng người di cư ngày càng tăng vào khu vực Schengen.

Trong khi đó, ngày 20-9, Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski bác bỏ những thông tin mà ông cho là vô lý liên quan đến mức độ của vụ bê bối gian lận thị thực. Quan chức này khẳng định, đây chỉ là chiến dịch tranh cử của phe đối lập của Ba Lan.

Ba Lan ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine
Ba Lan đã ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, động thái làm leo thang thêm tranh cãi về vấn đề ngũ cốc giữa hai quốc gia đồng minh này. Theo Bloomberg, ngày 21-9, trong cuộc phỏng vấn của đài Polsat, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Ba Lan có tiếp tục hỗ trợ Ukraine hay không trong khi hai nước đang tranh cãi về xuất khẩu ngũ cốc. Ông Morawiecki nói: “Chúng tôi không còn chuyển giao vũ khí cho Ukraine nữa vì chúng tôi đang trang bị cho Ba Lan những loại vũ khí hiện đại hơn”.

Ông Morawiecki cho biết Chính phủ Ba Lan không có ý định gây nguy hiểm cho an ninh của Ukraine và sẽ không can thiệp khi các nước khác vận chuyển vũ khí tới Ukraine thông qua trung tâm quân sự ở thị trấn Rzeszow.

THƯ LÊ

.