Quốc tế

Thị trường năng lượng ra sao khi Nga tạm dừng xuất khẩu xăng dầu?

08:25, 23/09/2023 (GMT+7)

Ngày 21-9, Chính phủ Nga đưa ra các biện pháp hạn chế tạm thời đối với hoạt động xuất khẩu xăng và dầu diesel đến tất cả các quốc gia, ngoại trừ 4 nước thuộc Liên Xô cũ, nhằm ổn định thị trường nội địa.

Theo Reuters, lệnh cấm này không áp dụng đối với nhiên liệu được cung cấp theo các thỏa thuận liên chính phủ cho các thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu, gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Bộ Năng lượng Nga cho biết, việc tạm thời ngưng xuất khẩu sẽ buộc các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu nước này phải gia tăng nguồn cung cho thị trường nội địa, từ đó hạ nhiệt giá nhiên liệu, cũng như ngăn chặn tình trạng xuất khẩu nhiên liệu với các động cơ không chính đáng.

Dù Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, trong những tháng gần đây, người tiêu dùng Nga vẫn đối mặt với tình trạng giá bán buôn xăng và dầu diesel tăng vọt, đặc biệt là sau khi Chính phủ Nga giảm một nửa mức trợ cấp cho các nhà máy lọc hóa dầu để đảm bảo cân đối ngân sách. Cuộc khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng ở một số khu vực thuộc "vựa lúa mì" phía nam nước Nga, nơi nhiên liệu rất quan trọng cho thu hoạch.

Phát biểu bên lề Diễn đàn Năng lượng công nghiệp TNF gần đây, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định,  nước này không thiếu nhiên liệu song thừa nhận có một số vấn đề về logistics trong mùa hè vừa qua như ách tắc đường sắt, nhà máy lọc hóa dầu bảo trì. Giá nhiên liệu tăng là do chi phí sản xuất dầu mỏ tăng trên thị trường toàn cầu, cũng như đồng Ruble giảm giá so với USD.

Theo Financial Times, động thái cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga diễn ra giữa lúc giá dầu thô trên thị trường quốc tế đang hướng đến ngưỡng 100 USD/thùng. Giá dầu diesel ở châu Âu tăng vọt sau thông báo trên của chính phủ Nga, với mức tăng gần 5% lên trên 1.010 USD/tấn. Giá dầu thô cũng đảo ngược mức giảm trước đó, với dầu Brent tăng 1% lên 94 USD/thùng. Nga là một trong những nhà cung cấp dầu diesel lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất dầu thô hàng đầu. Moscow đã cắt giảm xuất khẩu dầu thô theo một thỏa thuận với Saudi Arabia và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), “góp phần” khiến giá dầu tăng 30% kể từ tháng 6-2023. Việc Nga thắt chặt nguồn cung nhiên liệu vào thời điểm các ngân hàng trung ương chật vật kiểm soát lạm phát có thể khiến giá dầu thô vượt ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên sau 13 tháng.

Động thái mới nhất của Nga cũng sẽ khiến nguồn cung nhiên liệu cho Liên minh châu Âu (EU) bị siết chặt hơn nữa. Dù EU đã cấm nhập khẩu các sản phẩm nhiên liệu tinh chế từ dầu thô có nguồn gốc từ Nga kể từ tháng 2-2023, nhưng giới phân tích chỉ ra rằng Nga đã tăng xuất khẩu các sản phẩm tinh chế lên 50% trong quý 1-2023 sang châu Phi và sau đó các lô hàng này lại được tái xuất sang EU.

Theo ông Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại hãng tư vấn Eurasia Group, việc Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt cho châu Âu sau khi xung đột với Ukraine nổ ra hồi năm ngoái đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, gây lạm phát và tổn thương cho các ngành công nghiệp cũng như người tiêu dùng toàn cầu. “Có vẻ như Nga đang áp dụng lại chiến thuật khí đốt trên thị trường dầu mỏ trước những tháng mùa đông.”, ông Gloystein nhận định.

Dù lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu chỉ mang tính “tạm thời” và được thiết kế để giải quyết tình trạng giá năng lượng ngày càng tăng ở Nga nhưng Điện Kremlin không đưa ra khung thời gian khi nào biện pháp này sẽ kết thúc. “Năm ngoái, Nga cho biết việc cắt giảm nguồn cung khí đốt chỉ là tạm thời nhưng liên tục thắt chặt hoạt động xuất khẩu. Khi mùa đông đang đến gần, động thái cấm xuất khẩu diesel có thể dễ dàng đẩy giá dầu trở lại trên 100 USD/thùng, tác động đáng kể nền kinh tế thế giới”, ông Gloystein cảnh báo.

GIA NGHI

.