Quốc tế

Vì sao lũ lụt tại Libya quá kinh hoàng?

08:32, 14/09/2023 (GMT+7)

Tính đến 17 giờ ngày 13-9, hơn 5.300 người chết và ít nhất 10.000 người khác mất tích trong thảm họa lũ lụt vừa xảy ra tại Libya sau khi cơn bão Daniel ở Địa Trung Hải gây mưa như trút làm vỡ cả hai đập nước lớn, gây thiệt hại rất nghiêm trọng.

Theo Trung tâm Khí tượng quốc gia Libya, lượng mưa đo được hơn 40,64cm tại thành phố Bayda ở đông bắc Libya xuyên suốt từ ngày 10-9 cho tới 11-9. New York Times dẫn thông tin từ nhà sử học thời tiết người Tây Ban Nha Maximiliano Herrera cho biết, hầu hết lượng mưa đó trút xuống chỉ trong 6 tiếng đồng hồ. Thông thường ở Bayda, vào tháng 9 hằng năm lượng mưa chỉ ở khoảng 1,27cm, còn lượng mưa trung bình năm khoảng 54,35cm. Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu đã khiến lượng mưa lớn như trút ngày càng phổ biến hơn tại khu vực này trong những năm gần đây.

Lượng mưa khoảng 17,78cm đã trút xuống thị trấn Al Abrap của quận Derna. Các nhân chứng tại địa phương cho biết, nước lũ ở Derna đã dâng lên cao tới 3m. Các khu vực khác đo được lượng mưa từ 150-240mm. Chưa kể bão Daniel còn gây cuồng phong với tốc độ lên tới 80km/h.  Thiệt hại nặng nề nhất trong thảm họa này cho tới nay được ghi nhận tại Derna, thành phố nằm ở phía cuối thung lũng Wadi Derna, trước đây từng do nhóm những phần tử Hồi giáo cực đoan kiểm soát. Thành phố cảng Derna có khoảng 90.000 dân sinh sống. Những khu vực đất đai khô cằn, nứt toác trong suốt mùa hè nóng bỏng vừa qua giờ lại trở thành những vùng thảm họa ngập lụt.

Có hai con sông cùng chảy vào Derna và thường thì hai đập nước sẽ bảo vệ thành phố này, nhưng do bão Daniel gây mưa lớn, sức nước đã làm vỡ tung cả hai đập. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Hàng không dân dụng Libya Hichem Abu Chkiouat cho biết. “Tôi không hề phóng đại khi nói rằng 25% diện tích thành phố Derna đã biến mất. Rất nhiều căn nhà bị cuốn trôi”. Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo, gửi các đội tìm kiếm và cứu hộ tới thành phố Benghazi để hỗ trợ Libya. Italia và Pháp là hai nước châu Âu đưa ra cam kết viện trợ Libya sau thảm họa. Nỗ lực cứu hộ được dự báo gặp nhiều khó khăn do quốc gia Bắc Phi vẫn còn đang bị chia cắt vì nội chiến.

Kể từ cuộc chính biến năm 2011, Libya vẫn thiếu một chính quyền trung ương thống nhất. Tình trạng “vô chính phủ” này đã làm gián đoạn toàn bộ các khoản đầu tư vào đường sá và các dịch vụ công. Xung đột giữa các phe phái đã đẩy Libya vào tình trạng bất ổn trong suốt hơn một thập niên qua, kéo theo đó là hệ thống hạ tầng yếu kém, không được tu bổ, phát triển.  New York Times dẫn lời bà Stephanie T. Williams, người từng là cố vấn đặc biệt về vấn đề Libya cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc giai đoạn 2021-2022 cho biết, tình trạng các đập nước, lưới điện và đường sá ở Libya trên toàn quốc chứ không chỉ ở khu vực phía đông đã không được sửa chữa, bảo trì trong nhiều năm. Chính vì hạ tầng yếu kém, nhiều vùng lại nằm ở vị trí trũng thấp nên khu vực phía đông Libya là nơi đối mặt những tổn thất lớn nhất khi xảy ra lũ lụt.

Hiện Libya vẫn đang nằm dưới sự quản lý của hai chính quyền đối địch, một ở phía đông và một ở phía tây. Mỗi bên đều có sự yểm trợ của các nhóm chiến binh và một số chính phủ nước ngoài hậu thuẫn. Khu vực phía đông hiện nay đang do liên minh các nhóm nổi dậy kiểm soát, đứng đầu là tướng Khalifa Hifter. Chính quyền do liên minh cầm quyền của lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) này không được cộng đồng quốc tế công nhận, điều này càng khiến cho các nỗ lực cứu trợ và liên lạc xung quanh khu vực xảy ra thảm họa khó khăn hơn.

Sự kết hợp cùng lúc của nhiều yếu tố như thời tiết cực đoan, đặc tính dễ tổn thương của địa lý khu vực, các đập nước và đường sá không vững chắc đã dẫn tới thảm họa lũ lụt kinh hoàng và chết chóc nhất trong gần một thế kỷ qua tại Derna.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.