Quốc tế

Ráo riết cứu Gaza khỏi thảm họa nhân đạo

07:39, 16/10/2023 (GMT+7)

Trước nguy cơ xung đột lan rộng ở phạm vi khu vực sau tuyên bố đanh thép của Israel về chiến dịch quân sự quy mô lớn ở Gaza, cộng đồng quốc tế đang ráo riết thúc đẩy giải pháp ngoại giao khả thi nhất để cứu điểm nóng này khỏi vòng xoáy thảm họa nhân đạo.

Người dân di dời khỏi thành phố Gaza nhằm tránh xung đột. Ảnh: Getty Images
Người dân di dời khỏi thành phố Gaza nhằm tránh xung đột. Ảnh: Getty Images

New York Times dẫn lời các sĩ quan cấp cao của Israel tiết lộ cuộc tấn công trên bộ vào Gaza dự kiến là chiến dịch trên bộ lớn nhất của Israel kể từ năm 2006, bước đi mạo hiểm khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn

Giữa lúc xung đột đang trên đà lan rộng, đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn hơn nữa, các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực kêu gọi các bên hạ nhiệt căng thẳng, bảo đảm an toàn cho người dân là trên hết. Trung Quốc kêu gọi các bên quay lại đàm phán sớm nhất có thể; đồng thời bày tỏ mong muốn triệu tập hội nghị hòa bình quốc tế càng sớm càng tốt để đạt đồng thuận rộng rãi. Ngày 14-10, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, hành động của Israel ở Gaza rõ ràng “vượt quá phạm vi tự vệ”, đồng thời kêu gọi Chính phủ Israel “chấm dứt hành vi trừng phạt tập thể đối với người dân Gaza”. Theo CCTV, đặc phái viên của Chính phủ Trung Quốc về vấn đề Trung Đông sẽ thăm khu vực này tuần này để thúc đẩy lệnh ngừng bắn, qua đó thúc đẩy hòa đàm.

Trong khi đó, ngày 14-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas để nhấn mạnh chính sách ủng hộ của Washington dành cho Nhà nước Do Thái, cũng như sự cần thiết của viện trợ nhân đạo cho dân thường Palestine ở Gaza. Mỹ đang phối hợp Liên Hợp Quốc (LHQ) và các nước Trung Đông để bảo đảm người dân có thể tiếp cận nước, thực phẩm và chăm sóc y tế. Lầu Năm Góc sẽ triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay thứ hai tới khu vực phía đông Địa Trung Hải nhằm tăng cường an ninh cho Israel và ngăn xung đột lan rộng. Tuy nhiên, theo Foreign Affairs, trong thời gian tới, Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với sự cân bằng mong manh khi nỗ lực hỗ trợ đồng minh của Mỹ, đồng thời tránh bị lôi kéo vào cuộc xung đột khác ở nước ngoài. Xung đột leo thang ở Gaza sẽ không chỉ gây tổn hại nặng nề đến an ninh lâu dài của Israel, gây tổn thất nhân mạng khôn lường cho người Palestine mà còn đe dọa các lợi ích cốt lõi của Mỹ ở Trung Đông, cũng như tiếng nói của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: “Ngay cả khi chiến sự nổ ra cũng có quy tắc. Luật nhân đạo quốc tế và luật nhân quyền phải được tôn trọng và duy trì. Thường dân phải được bảo vệ và được bảo đảm rằng không bao giờ bị lợi dụng làm lá chắn sống”. Giờ đây, sức nóng của “chảo lửa” Gaza dường như đang được cảm nhận ở khắp nơi. Những ngày qua, hàng chục nghìn người tại các nước Trung Đông, châu Á, châu Âu và Mỹ liên tục kéo xuống đường tuần hành, bày tỏ phản đối bạo lực, ủng hộ bảo vệ tính mạng dân thường.

Viện trợ là vấn đề sống còn

Chưa bao giờ 2,3 triệu cư dân Gaza rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: ở lại chịu bom đạn hay tha hương. Hơn nữa, việc di chuyển ồ ạt của rất nhiều người qua vùng giao tranh đang diễn ra là cực kỳ nguy hiểm. Ngày 14-10 (giờ địa phương), quân đội Israel phát cảnh báo sơ tán lần thứ hai với hơn 1 triệu người Palestine ở bắc Gaza trong khi đó lực lượng Hamas lại kêu gọi người dân không sơ tán khi nghi ngờ yêu cầu của Israel là “đòn tâm lý” nhằm phá vỡ tình đoàn kết của họ.

Khủng hoảng nhân đạo tại Gaza ngày càng chuyển biến xấu đi do Israel cắt tất cả tiện ích cho Gaza và giờ đây tiếp cận viện trợ là vấn đề sống còn đối người dân. Theo The Guardian, bên cạnh phải đối mặt với hiểm nguy, người dân đang mỏi mòn chờ viện trợ từ bên ngoài khi lương thực, nước uống, nhiên liệu và vật tư y tế dần cạn kiệt. Đến nay, không có cách nào để người dân thoát ra ngoài hoặc hàng cứu trợ có thể vào Gaza được bởi Israel đã phong tỏa tất cả các cửa khẩu vào khu vực trong khi Ai Cập cũng siết chặn an ninh các cửa khẩu biên giới để chặn người tị nạn. “Nhiên liệu là cách duy nhất để người dân có nước uống an toàn. Nước bây giờ là huyết mạch cuối cùng còn sót lại”, Người đứng đầu Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Philippe Lazzarini, nói.

Trong khi đó, các bác sĩ ở Gaza đang lo ngại nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm khi các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải nơi đây tràn ngập người bị thương và người dân trú ẩn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ trích việc Israel buộc hàng ngàn bệnh nhân ở phía bắc Gaza phải sơ tán đến các bệnh viện vốn đã quá tải ở phía nam “tương đương với bản án tử hình”, càng làm trầm trọng thêm thảm họa nhân đạo và sức khỏe cộng đồng.

Đến nay, các chuyến bay chở hàng cứu trợ Gaza của quốc tế đã đến bán đảo Sinai của Ai Cập, cách biên giới Gaza 45 km. Các đoàn xe cứu trợ của các tổ chức từ thiện Ai Cập đã bắt đầu di chuyển về khu vực cửa khẩu Rafah với Gaza để tiếp tế viện trợ cho người dân. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cam kết tăng gấp 3 lần viện trợ nhân đạo lên 75 triệu euro cho Gaza.

THƯ LÊ

.