Quốc tế

Chuyến công du hiếm hoi của ông Putin

08:14, 13/10/2023 (GMT+7)

Ngày 12-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu thăm chính thức Kyrgyzstan, quốc gia Trung Á có quan hệ chặt chẽ với Nga. Đây là một trong những chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của ông Putin kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine vào đầu năm 2022.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov tại lễ đón trước cuộc hội đàm ở Bishkek (Kyrgyzstan) ngày 12-10. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov tại lễ đón trước cuộc hội đàm ở Bishkek (Kyrgyzstan) ngày 12-10. Ảnh: Reuters

Thời gian qua, những chuyến công tác nước ngoài của ông Putin luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới quan sát quốc tế, đặc biệt truyền thông phương Tây. Sự chú ý này không có nguyên nhân nào khác hơn ngoài việc Tòa Hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh truy nã ông vào tháng 3-2023 với những cáo buộc mà cho tới nay Nga hoàn toàn bác bỏ.

Lịch trình bận rộn

Theo Reuters, Tổng thống Putin thăm Kyrgyzstan trong hai ngày theo lời mời của Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, đánh dấu chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông kể từ khi ICC phát lệnh bắt giữ ông. Nga không công nhận quyền tài phán của ICC do đó coi lệnh này là vô hiệu và tiến hành các bước tố tụng hình sự đối với các công tố viên và thẩm phán ICC. Kyrgyzstan không phải là bên ký kết Quy chế Rome, hiệp ước nền tảng thành lập nên ICC với 123 quốc gia phê chuẩn.

Mối quan hệ giữa Nga với các quốc gia khác ở Trung Á, nơi từng được coi là “sân sau” của Nga, vốn chịu áp lực sau khi phương Tây áp đặt “bão trừng phạt” lên Nga do liên quan đến vấn đề Ukraine. Do đó, chuyến đi được xem là cơ hội củng cố niềm tin trong mối quan hệ lâu đời giữa Nga và các đồng minh cốt lõi, đồng thời phát huy vai trò then chốt của Nga trong giải quyết các vấn đề nóng của khu vực.

Ngày 12-10, tại cuộc gặp với Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, ông Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của Nga với tư cách là đối tác thương mại quan trọng và nhà đầu tư lớn nhất đối với Kyrgyzstan, đồng thời thúc giục hai bên thêm gắn kết. Hợp tác song phương về kỹ thuật, quân sự, và các vấn đề quốc tế khác sẽ là trọng tâm trong chương trình nghị sự. Tháng 7-2023, Mỹ áp trừng phạt đối với 4 công ty Kyrgyzstan vì tái xuất khẩu linh kiện điện tử và công nghệ khác sang Nga.

Cũng theo kế hoạch, ông Putin sẽ dự sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập căn cứ không quân ở thị trấn Kant, phía bắc Kyrgyzstan, nơi đặt một căn cứ không quân của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga. Đây là tiền đồn có tầm quan trọng chiến lược cho phép Moscow triển khai sức mạnh trong khu vực. Ngoài ra, ông Putin có thể gặp riêng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev để thảo luận về những bất ổn chưa lắng dịu tại khu vực ly khai Nagorno - Karabakh và gặp nhà lãnh đạo Tajikistan Emomali Rahmon để thảo luận hoạt động của căn cứ Nga đặt tại nước này.

Tuần tới, ông Putin dự kiến thăm Trung Quốc. Tháng trước, nhà lãnh đạo Nga cũng nhận lời mời đến thăm Triều Tiên dù vẫn chưa rõ khi nào sự kiện này có thể xảy ra.

Cuộc gặp xoa dịu rạn nứt

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Kyrgyzstan, ngày 13-10, Tổng thống Putin dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko và các nhà lãnh đạo khác tại thủ đô Bishkek trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Nga ở các đồng minh truyền thống, chẳng hạn như Armenia, đang chịu một số áp lực. Dự kiến, ông Putin sẽ thông báo ngắn gọn cho các đối tác về những ưu tiên trong vai trò Chủ tịch Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS) của Nga năm 2024.

Các nhà lãnh đạo của Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan cũng sẽ tham dự sự kiện. Tuy nhiên, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan không tham dự vì một số lý do. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga - Armenia xuất hiện xích mích kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ. Bất chấp cảnh báo từ Nga, Quốc hội Armenia gần đây phê chuẩn Quy chế Rome để trở thành thành viên của ICC.

Nga đóng vai trò là nhân tố then chốt trong nỗ lực giải quyết các tình trạng leo thang trước đây. Tuy nhiên, Armenia gần đây có động thái xích lại gần phương Tây. Song hành với việc Mỹ công khai quan tâm Armenia, EU cũng “tiến” vào khu vực này với sứ mệnh giám sát riêng. Nga coi động thái này là mưu đồ địa chính trị có thể gây tổn hại đến lợi ích cốt lõi của người Armenia và người Azerbaijan, cũng như ảnh hưởng mối quan hệ truyền thống kéo dài hàng thế kỷ giữa Armenia và Nga. Trong diễn biến khác, Tổng thống Azerbaijan Aliyev rút khỏi cuộc gặp với nhà lãnh đạo Armenia tuần trước do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian. Trái lại, Thủ tướng Armenia Pashinyan cho biết dự định gặp Tổng thống Azerbaijan để tìm thỏa thuận hòa bình lâu dài.

Ông Putin sẽ thăm Trung Quốc tuần tới
Sau chuyến thăm chính thức Kyrgyzstan, nhà lãnh đạo Nga tiếp tục đến Bắc Kinh (Trung Quốc) để tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRI) lần thứ ba từ ngày 17 đến 18-10. Bất chấp nỗ lực gây bất hòa của phương Tây, chuyến thăm của ông Putin thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau ngày càng tăng giữa Moscow và Bắc Kinh và dự kiến mang lại những tia sáng trong hợp tác song phương. Lãnh đạo hai nước sẽ tập trung thảo luận hợp tác kinh tế, thương mại và các vấn đề toàn cầu. Bên cạnh đó, hai bên kỳ vọng đạt đồng thuận mới trong khuôn khổ sáng kiến BRI, cùng với việc thông qua các dự án hợp tác gồm sự phát triển của khu vực Viễn Đông, cũng như giao thông vận tải và nông nghiệp ở Siberia. Kể từ năm 2000, Tổng thống Putin đã thăm Trung Quốc 17 lần.

THƯ LÊ

.