Quốc tế

Vấn đề thử hạt nhân làm nóng chính trường

07:46, 27/10/2023 (GMT+7)

Với nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế, tại khóa họp thứ 50 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), hiệp ước đa phương ngăn cấm thử nghiệm vụ nổ hạt nhân được thông qua vào ngày 10-9-1996 và ký kết vào ngày 24-9-1996. Tính đến năm 2023, CTBT được 187 quốc gia ký kết và 178 quốc gia trong số đó phê chuẩn.

CTBT được chuẩn bị rất kỹ càng, trong các phụ lục xác định danh sách 44 quốc gia có đủ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân và năng lượng nguyên tử. Vì thế, để CTBT có hiệu lực, các quốc gia này phải ký kết và phê chuẩn hiệp ước. Tuy nhiên, CTBT vẫn chưa có hiệu lực do 8 trong số 44 quốc gia có vũ khí hạt nhân hoặc tiềm năng chế tạo vũ khí hạt nhân là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên, Israel, Iran và Ai Cập chưa phê chuẩn. Kể từ cuối năm 1996, hầu hết các nước phê chuẩn hay không phê chuẩn đã thể hiện tinh thần chung khi không tiến hành các vụ thử hạt nhân nào.

Trong khi đó, những năm gần đây, sự cạnh tranh địa chính trị toàn cầu gia tăng ở mức lo ngại, trật tự thế giới thay đổi sâu sắc, xung đột vũ trang ở tầm khu vực và châu lục bùng phát liên tục, đáng chú ý là quan hệ Mỹ - Nga, hai cường quốc hàng đầu thế giới về kho vũ khí hạt nhân, trở nên “băng giá” do nhiều yếu tố khác nhau, dẫn đến hai bên chấm dứt nhiều hiệp ước quan trọng như Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo, Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung, Hiệp ước bầu trời mở và Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START).

Đặc biệt, khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, phương Tây “rót” tiền bạc, loại vũ khí hiện đại nhất vào Ukraine, thúc đẩy chính sách hướng Đông, kết nạp nhiều thành viên mới, mở rộng kiểm soát về chính trị, kinh tế và quân sự của NATO trên bộ, trên không, trên biển sát biên giới Nga. Những toan tính này buộc Nga phải tăng cường sức mạnh quân sự nhằm ứng phó với nguy cơ tiềm tàng đe dọa an ninh quốc gia. Tháng 5-2023, trong bối cảnh mối đe dọa ở biên giới phía tây leo thang nghiêm trọng, Nga và Belarus đạt thỏa thuận và tiến hành triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus.

Đáng chú ý, theo Fox News, ngày 18-10, chỉ sau vài giờ khi các nhà lập pháp Nga cho biết họ có kế hoạch hủy bỏ phê chuẩn CTBT, Mỹ tiến hành thử nghiệm hạt nhân có sức nổ mạnh tại cơ sở Nevada, thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong khi đó, Điện Kremlin thông báo Nga vừa thực hiện thành công cuộc diễn tập tấn công hạt nhân đáp trả quy mô lớn cả trên bộ, trên biển và trên không. Theo Điện Kremlin, mức độ sẵn sàng chiến đấu của nhiều cơ quan chỉ huy quân sự lẫn năng lực tổ chức lực lượng cấp dưới của sĩ quan cũng được kiểm tra. Diễn tập diễn ra đúng lúc Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) hoàn tất việc thông qua dự luật hủy bỏ phê chuẩn CTBT để trình lên Thượng viện. Văn kiện này được Nga ký vào ngày 24-4-1996 rồi phê chuẩn ngày 27-5-2000. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, dù hủy phê chuẩn CTBT nhưng nước này không có ý định đảo ngược lệnh cấm thử hạt nhân 1992. Nga chỉ làm vậy nếu Mỹ, nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn CTBT khiến hiệp ước “vẫn chỉ là giấc mơ”, tiến hành thử hạt nhân trước.

Diễn biến trên cho thấy, Nga không có lý do gì để ràng buộc với CTBT khi hiệp ước vẫn chưa có giá trị pháp lý dù đã ra đời cách đây 27 năm. Ngoài ra, Nga không phải là quốc gia tiến hành các vụ thử hạt nhân nhiều nhất mà chủ yếu là phương Tây. Việc Nga đơn phương rút khỏi CTBT là lựa chọn có cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, vừa kiểm tra kho vũ khí hạt nhân, nâng cấp bảo bối lá chắn hạt nhân, đồng bộ hóa bộ ba vũ khí hạt nhân để nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đối phó với nguy cơ đe dọa chủ quyền và an ninh quốc gia trong mọi tình huống, đẩy phương Tây vào “bẫy việt vị” nếu họ thử hạt nhân vốn sẽ gây phản ứng mạnh mẽ của dư luận và tạo cơ hội chạy đua về loại vũ khí nguy hiểm này. Cùng với xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, đói nghèo, vấn đề thử nghiệm hạt nhân đang làm nóng chính trường thế giới.

TUYẾT MINH

.