Quốc tế
AI tăng tốc trong cuộc chiến chống đột quỵ
Giới chuyên gia cảnh báo gánh nặng y tế toàn cầu rất lớn do đột quỵ, nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai, sau tim mạch. Nhiều nước đang đẩy mạnh tăng cường đổi mới công nghệ để giải quyết thách thức này, trong đó xu thế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang rất được chú trọng.
Theo tạp chí Lancet Neurology, số ca tử vong do đột quỵ toàn cầu có thể tăng 50% vào năm 2050, là nguyên nhân khiến 9,7 triệu người chết mỗi năm. Chi phí điều trị đột quỵ và thu nhập bị mất do đột quỵ sẽ tăng từ 891 tỷ USD mỗi năm vào năm 2017 lên 2.310 tỷ USD vào năm 2050.
Kết quả khả quan bước đầu
Theo World Economic Forum, nền y học thế giới đã chứng kiến nhiều đổi mới trong phương pháp điều trị đột quỵ, từ chụp MRI cầm tay để chẩn đoán đến kích thích não để phục hồi chức năng, cùng với các loại thuốc thế hệ mới đang được phát triển. Công nghệ y tế kỹ thuật số cũng cho thấy nhiều hứa hẹn, từ điều trị đột quỵ từ xa (telestroy) đến internet vạn vật (IoT) đến thực tế ảo tăng cường (AR). Một cải tiến sắp tới là phẫu thuật cắt bỏ huyết khối nội mạch xâm lấn tối thiểu (EVT) vốn được ca ngợi là tiến bộ y khoa mang tính cách mạng.
Mỹ hiện là một trong những nước đi đầu tận dụng sức mạnh của AI trong phòng, chống đột quỵ. Theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, việc sử dụng AI để điều phối chăm sóc bệnh nhân đột quỵ được coi là tiêu chuẩn chăm sóc hiện nay. AI cho thấy nhiều hứa hẹn về tiềm năng thay đổi hoạt động chăm sóc sức khỏe, gồm các biện pháp can thiệp khẩn cấp nhiễm trùng huyết, nguyên nhân gây ra 1/3 số ca tử vong tại bệnh viện ở Mỹ, nơi các tổ chức y khoa uy tín như Bayesian Health và Johns Hopkins chứng minh tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng huyết giảm đáng kể nhờ sử dụng AI.
Công ty Viz.ai (Mỹ) là ví dụ điển hình về sự chủ động nắm bắt xu thế y tế số trong điều trị đột quỵ bằng cách phát triển phần mềm AI có chức năng phân tích tất cả lần quét não được thực hiện trên bệnh nhân trong thời gian thực. Sau đó, Viz.ai gửi cảnh báo tới nhóm chăm sóc đột quỵ trên điện thoại di động của họ thông qua một ứng dụng. Tiếp đến, nhóm chăm sóc sẽ xem xét hình ảnh trên điện thoại của họ và điều phối việc chăm sóc bằng cách sử dụng chức năng trò chuyện để bệnh nhân có thể tiếp cận đúng nhóm chăm sóc thần kinh để được điều trị ngay lập tức.
Dữ liệu đa dạng được sử dụng để tạo các thuật toán AI, có thể phát hiện biểu hiện đáng ngờ trong thời gian thực ở bệnh nhân khi tiến hành xét nghiệm. Trong trường hợp đột quỵ, thuật toán AI được tạo ra dựa trên kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT). Tại Mỹ, Viz.ai là công ty đầu tiên nhận sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ để áp dụng rộng rãi nền tảng thông báo và phân loại có sự hỗ trợ của máy tính để xác định cơn đột quỵ do tắc mạch lớn thông qua chụp CT mạch máu não. Năm 2021, phần mềm này cũng đạt được chứng nhận CE (tiêu chuẩn bảo đảm an toàn hàng hóa của châu Âu).
Toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe được cập nhật tại Viz.ai, tạo kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên toàn mạng lưới 1.500 bệnh viện phục vụ tổng cộng 220 triệu bệnh nhân, qua đó có thể chia sẻ thông tin về bệnh nhân một cách dễ dàng với tính bảo mật cao. Bằng chứng lâm sàng trong thế giới thực chỉ ra điều này giúp đẩy nhanh quá trình điều trị sớm 102 phút, giúp giảm đáng kể số lượng tế bào não chết. Đây là sự khác biệt giữa nạn nhân đột quỵ nhanh chóng lấy lại sức khỏe vốn có hay bị thương tật suốt đời.
Tăng cường công bằng y tế
Dù đạt nhiều tiến bộ nhưng công bằng sức khỏe vẫn là mối quan tâm lớn. Vẫn còn chặng đường dài trước khi đạt sự phối hợp chăm sóc do AI cung cấp và tiếp cận phương pháp điều trị đột quỵ ngay lập tức có sẵn toàn cầu. Nhiều nước đang phát triển phải đối mặt với những rào cản như cơ sở hạ tầng hạn chế, khó khăn trong đào tạo và thiếu hụt lực lượng lao động chăm sóc sức khỏe cũng như thiếu tài chính chăm sóc sức khỏe, dẫn đến sự chênh lệch đáng kể về kết quả điều trị bệnh nhân, trong đó có chăm sóc và phục hồi sau đột quỵ. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe được phân bổ không đồng đều, thiếu các chương trình phòng ngừa, môi trường ô nhiễm, các yếu tố về lối sống cùng những vấn đề khác là nguyên nhân gây ra số lượng tử vong do đột quỵ cao.
Chìa khóa để phá vỡ những rào cản nói trên là tập hợp hệ sinh thái rộng lớn hơn của các bên liên quan, chẳng hạn như nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, công ty dược phẩm và thiết bị y tế, nhà hoạch định chính sách và nhóm hỗ trợ bệnh nhân, để cùng tạo sự thay đổi. Rõ ràng, AI có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong và tàn tật do đột quỵ nhưng chỉ khi các bên liên quan tăng cường phối hợp để đẩy nhanh chuyển đổi số một cách công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
THƯ LÊ