Kinh tế xanh EU và luật phục hồi thiên nhiên

.

Một trong những mục tiêu đồng thời cũng là thách thức to lớn đối với nhân loại hiện nay là làm sao để nhanh chóng ngăn chặn sự nóng lên của trái đất để tránh các hậu quả do biến đổi môi trường, khí hậu và từng bước chuyển sang kinh tế xanh bền vững.

Liên minh châu Âu (EU) là khu vực được khai thác từ rất sớm. Theo các nghiên cứu khoa học, có khoảng 70% đất đai bị suy thoái, 80% hệ sinh thái trong tình trạng xấu tại “lục địa già”. Trong nhiều năm qua, EU đề ra nhiều hướng đi và giải pháp cụ thể, trong đó có từng bước giảm và đi đến chấm dứt sử dụng năng lượng hóa thạch; tăng cường bảo vệ môi trường; khôi phục và phát triển hệ sinh thái... Tuy nhiên, tất cả những vấn đề đó chỉ nằm trong khuôn khổ giới hạn mà chưa trở thành luật định nhằm ràng buộc các quốc gia thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Mặt khác, một nhân tố mang tính ràng buộc khách quan là khi các quốc gia muốn phát triển kinh tế-xã hội bền vững không thể không có thiên nhiên, môi trường thuận lợi, nguồn sinh học đa dạng, phong phú. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans nhấn mạnh: ‘‘Nếu không có các hệ sinh thái mạnh mẽ hơn, bền vững hơn thì không thể bảo đảm sản xuất lương thực, thực phẩm, cũng như các phương tiện giúp nông dân duy trì hoạt động’’. Hay nói cách khác, để có nền kinh tế xanh, cuộc sống của người dân hài hòa với thiên nhiên thì tất yếu phải chăm sóc, bảo vệ và tạo vùng đất màu mỡ, xanh tốt và đa dạng sinh học.

Để sớm trở thành khu vực có nền kinh tế xanh của châu Âu mang tính tiên phong, dự luật Phục hồi thiên nhiên (Nature Restoration Law) được đưa ra nhưng gặp phải sự đối đầu quyết liệt về chính trị tại Nghị viện châu Âu (EP). Đáng chú ý, chủ trương của đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm đảng lớn nhất trong EP, bác bỏ dự luật khi coi đây là “mối đe dọa đối với nông nghiệp, ngư nghiệp và kể cả năng lượng tái tạo’’.

Tháng 6-2023, hơn 3.300 nhà khoa học châu Âu công bố bức thư ngỏ bảo vệ dự luật, lên án cuộc tấn công “không thể biện minh” chống lại dự luật này, mà chủ yếu dựa trên việc tung các thông tin giả, bóp méo sự thật. Bức thư ngỏ trình bày các căn cứ để bác bỏ 6 luận điểm chính mà phe chống dự luật đòi xóa bỏ. Trong số các luận điểm chính bị bác bỏ, có việc quy cho dự luật ‘‘làm mất an ninh thực phẩm’’, luận điểm đã được EPP phổ biến rộng rãi.

Vì những lợi ích tối cao trước các mối đe dọa khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra, sau thời gian dài tranh cãi gay gắt, mới đây, ngày 9-11, Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU đạt “đồng thuận rộng rãi” về dự thảo dự luật. Theo thông cáo của EC, đại diện cho 27 nước thành viên, Luật Phục hồi thiên nhiên sẽ bắt buộc các nước trong khối từ đây đến năm 2030 phải có các biện pháp mạnh mẽ để khôi phục ít nhất 20% đất đai và không gian biển đang bị suy thoái trong EU.

Cụ thể, trong khuôn khổ thỏa thuận quốc tế Côn Minh - Montréal (COP 15 về đa dạng sinh học), luật mới của EU sẽ buộc 27 nước thành viên phải khôi phục từ đây đến năm 2030 ít nhất 30% hệ sinh thái đã bị phá hỏng, và tỷ lệ này sẽ tăng dần lên 60% vào năm 2040 và 90% vào năm 2050. Với một số vùng đặc biệt như ven biển, vùng đất ngập, vùng đồi cát, hay vùng đồng cỏ…, tỷ lệ phục hồi dự kiến lên đến 30%. Ít nhất 25.000km dòng chảy tự nhiên phải được khôi phục trước năm 2030. 10% diện tích đất nông nghiệp phải được che phủ bởi các hệ sinh thái đa dạng, như cây to, cây bụi, rặng cây, hồ nhỏ hoặc đơn giản là để đất nghỉ ngơi, không khai thác…

Việc EP thông qua Luật Phục hồi thiên nhiên được dư luận đánh giá là bước tiến mang tính lịch sử của châu lục này trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, dưới góc độ bảo vệ môi trường, ông Tatiana Nuno, lãnh đạo hiệp hội môi trường Seas At Risk, nhận định, thỏa thuận này “còn xa mới trở thành điều cần thiết để đối phó với khủng hoảng đa dạng sinh thái. Tuy nhiên, xét về mối liên quan đến đại dương, đây là bước thiết yếu hướng đến khôi phục đời sống biển quý báu” của nhân loại.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.