Quốc tế

Trung Quốc - Belarus thúc đẩy hợp tác chiến lược

09:04, 06/12/2023 (GMT+7)

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã có chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai trong năm nay nhằm vun đắp “quan hệ chiến lược toàn diện song phương trong mọi hoàn cảnh” cũng như theo đuổi ý định “nhìn về phía Đông”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 4-12. Ảnh: Tân Hoa Xã
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 4-12. Ảnh: Tân Hoa Xã

Việc Belarus, là nước đồng minh và đối tác thân thiết của Nga, củng cố quan hệ với Trung Quốc vào thời điểm này tiếp tục thu hút sự chú ý, dè chừng của phương Tây. Trước đó, ông Lukashenko thăm Trung Quốc vào cuối tháng 2-2023.

Hợp tác kinh tế là trọng tâm

Theo SCMP, chuyến thăm của ông Lukashenko diễn ra trong hai ngày 3 và 4-12 nhằm thảo luận “hợp tác thương mại, kinh tế, đầu tư và quốc tế” với đối tác lớn ở châu Á, trong đó Trung Quốc là ưu tiên. Trong thập niên qua, khối lượng thương mại giữa Trung Quốc và Belarus tăng lên đều đặn với việc Trung Quốc vượt Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Belarus, sau Nga.

Ngày 4-12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Belarus Lukashenko tại Bắc Kinh. Giới quan sát nhận định, mối quan hệ song phương sẽ được củng cố thông qua hợp tác song phương liền mạch, niềm tin chính trị mạnh mẽ và sự hỗ trợ kiên quyết dành cho nhau trên nền tảng đa phương. Theo Tân Hoa Xã, lãnh đạo của hai nước đã đạt đồng thuận quan trọng trong thúc đẩy quan hệ chiến lược toàn diện song phương trong mọi hoàn cảnh vốn được thiết lập vào tháng 9-2022, đánh dấu bước tiến lớn.

Trung Quốc luôn nhìn nhận quan hệ với Belarus từ góc độ chiến lược và lâu dài; đồng thời tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về chính trị và sự phối hợp quốc tế. “Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục tăng cường phối hợp chiến lược với Belarus, kiên quyết hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác thiết thực và làm sâu sắc thêm quan hệ song phương”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Trung Quốc đang tìm cách đưa Belarus trở thành thành viên cốt lõi của Sáng kiến Vành đai và Con đường để xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối với các quốc gia từ Malaysia đến Hy Lạp. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi Belarus tham gia tích cực hơn nữa; đồng thời mong muốn thêm nhiều cơ hội phát triển hữu hình hơn từ nước này. Hai bên sẽ thực hiện các dự án hợp tác công nghiệp và vận tải xuyên biên giới để thúc đẩy thương mại; tăng cường hiểu biết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước...

Ông Tập Cận Bình ca ngợi Trung Quốc và Belarus là những lực lượng quan trọng trong cải cách và phát triển hệ thống quản trị toàn cầu. Do đó, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường phối hợp và hợp tác với Belarus trong các cơ chế đa phương như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải mà Belarus dự kiến sẽ trở thành thành viên thường trực vào năm tới, thúc đẩy thực hiện các sáng kiến Phát triển toàn cầu,  An ninh toàn cầu và Văn minh toàn cầu; đồng thời thúc đẩy xây dựng cộng đồng tương lai chung cho nhân loại.

Belarus “nhìn về phía Đông”

Global Times dẫn lời ông Zhang Hong, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết, hai chuyến thăm chỉ trong một năm không phải là điều phổ biến bởi điều này cho thấy Belarus càng coi trọng quan hệ với Trung Quốc trên cả mặt trận ngoại giao và kinh tế. Bước đi này là sự tiếp nối hợp lý của chính sách tăng cường kinh tế đối ngoại của Belarus không chỉ đối với Trung Quốc mà còn với phương Đông nói chung. Thực tế, Belarus ngày càng xích lại Trung Quốc trong bối cảnh nước Đông Âu này đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ  phương Tây và đang “hướng về phía Đông”, một tầm nhìn mà nước láng giềng thân thiết Nga cũng đang theo đuổi.

Đồng quan điểm, BelTA dẫn lời Giám đốc Viện Kinh tế tại Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Belarus Vasily Gursky nhận định, chính sách trừng phạt của các nước phương Tây và thái độ thân thiện của các nước láng giềng phía đông đang tạo ra những động lực bổ sung mạnh mẽ cho sự phát triển năng động của quan hệ kinh tế đối ngoại giữa Belarus với Trung Quốc. Không chỉ các lệnh trừng phạt của phương Tây buộc Belarus phải hướng về phía Đông, các trung tâm quyền lực mới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã và đang chứng tỏ tốc độ tăng trưởng kinh tế bất ngờ. Dựa trên thực tế này, “vectơ phương Đông” được ưa chuộng hơn đối với ngoại thương của Belarus.

Ở góc nhìn khác, ông Cui Heng, trợ lý nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Nga của Đại học Sư phạm Đông Trung Quốc, cho rằng, việc Trung Quốc kiên quyết ủng hộ Belarus theo đuổi con đường phát triển phù hợp với điều kiện đất nước và phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ quốc gia dường như thể hiện mức độ tin cậy chính trị cao giữa hai nước, đúng như nhận xét trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin rằng quan hệ ngoại giao song phương đã đạt “mức độ hợp tác cao chưa từng thấy”.

Dự án Khu công nghiệp Trung Quốc-Belarus tại Minsk là chủ đề quan trọng khác trong chuyến thăm này. Dù đã phát triển mạnh trong những năm gần đây nhờ sức hấp dẫn của chính nó cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ Belarus nhưng lệnh trừng phạt của phương Tây đã có tác động nhất định đến sự phát triển dự án này. Khu công nghiệp sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nguồn thu hút đầu tư nhằm giảm bớt tác động địa chính trị, chẳng hạn như khi tập trung nhiều hơn vào thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu, cũng như đầu tư từ các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Một số ngân hàng ở Belarus cũng nhận hỗ trợ từ khu công nghiệp này trong tiếp cận hệ thống thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.

THƯ LÊ

.