Quốc tế
Cú đảo chiều ở Đại học Harvard
Nếu như trong tháng 7-2023, bà Claudine Gay được hoan nghênh nhiệt liệt khi trở thành chủ tịch đầu tiên của Đại học Harvard (Mỹ) là người da màu, thì chỉ sau hơn nửa năm, tên bà lại xuất hiện trong loạt tít tựa nổi bật của báo chí quốc tế khi bà từ chức khỏi cương vị đó.
Việc bà Gay từ chức là diễn biến cuối cùng kết thúc chuỗi sóng gió đảo lộn liên quan các cáo buộc đạo văn cũng như tranh cãi về tình trạng bài Do Thái xảy ra tại Đại học Harvard, nơi được coi như “ngôi đền giáo dục” lâu đời nhất và cũng giàu có nhất của nước Mỹ. Dù không còn là chủ tịch nhưng bà Gay vẫn sẽ là giảng viên của trường.
Ngôi sao vụt tắt
“Sau khi tham vấn các thành viên của tập đoàn, rõ ràng việc từ chức của tôi sẽ có lợi cho Harvard để cộng đồng của chúng ta có thể chèo lái qua thời khắc khó khăn đặc biệt này với sự tập trung vào tổ chức thay vì bất cứ cá nhân nào”, bà Gay viết trong thông báo từ chức đăng ngày 2-1-2024 trên trang web của đại học danh giá này.
Sự từ nhiệm của bà Gay thực sự là diễn biến đầy kịch tính nếu nhìn lại thời khắc vinh quang không lâu trước đó, ngày 1-7-2023, khi bà chính thức trở thành vị chủ tịch thứ 30 của Harvard. Thậm chí, cũng chỉ mới đây thôi, ngày 12-12-2023, bà vẫn nhận sự ủng hộ hoàn toàn của Tập đoàn Harvard, hội đồng quản trị của đại học này. Tuy nhiên, kể từ đó trở đi, những câu hỏi mới liên tục được đặt ra khi dư luận chất vấn các công trình học thuật của bà Gay. Cùng với đó là việc một nhà tài trợ lớn đã rút bỏ các khoản tài trợ “khủng” cho Đại học Harvard để phản đối cách trường này giải quyết tình trạng bài Do Thái mà theo họ chỉ đang khiến vấn đề tệ hơn.
Tập đoàn Harvard cho biết, ông Alan Garber sẽ là chủ tịch tạm quyền của đại học này trong thời gian tìm kiếm chủ tịch mới thay thế bà Gay. Trong thư từ chức, dù bà Gay có nhắc tới “những bước đi sai lầm” nhưng bà cũng đề cập chuyện đã phải đối mặt với “sự khó chịu và trong một số trường hợp là những lời lăng mạ kỳ thị chủng tộc” qua điện thoại hoặc email.
Quyền lực của nhà tài trợ
Bà Gay là trường hợp từ nhiệm thứ hai chỉ trong vòng vài tuần qua của một chủ tịch đại học thuộc khối Ivy League (nhóm 8 trường đại học tư thục hàng đầu của Mỹ gồm: Brown, Columbia, Cornell, Darthmouth, Harvard, Pennsylvania, Princeton và Yale). Cả hai cuộc ra đi này đều xảy ra kể từ sau khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ ngày 7-10 năm ngoái ở Dải Gaza.
Thecrimson.com cho biết, mọi rắc rối với bà Gay bắt đầu xuất hiện từ sau ngày 7-10. Đầu tiên, bà đối mặt với dư luận chỉ trích từ khắp nước Mỹ về cách phản ứng ban đầu của Đại học Harvard với chiến sự tại Gaza. Đại học Harvard đã không trực tiếp lên án lực lượng Hamas cũng như không giải quyết dứt khoát về tuyên bố ủng hộ người Palestine do hơn 30 nhóm sinh viên của Đại học Harvard ký tên.
Tiếp đó sức ép với bà tăng thêm sau khi bà có phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ về vấn đề chủ nghĩa bài Do Thái trong các trường đại học, đồng thời là việc xuất hiện cáo buộc bà đạo văn trong một số công trình học thuật. New York Post đăng các bài báo cáo buộc bà Gay sao chép (đôi khi là nguyên văn) một số đoạn trong các báo cáo khoa học đã công bố của bà. Ban đầu, Đại học Harvard phản đối những cáo buộc này nhưng sau đó thừa nhận việc “trích dẫn chưa đầy đủ” trong các công trình của bà. Bê bối nối tiếp nhau, sức ép theo đó lại càng lớn hơn khi bắt đầu xuất hiện những tiếng nói từ bên ngoài yêu cầu bà từ chức, trong đó có cả ý kiến của một nhà tài trợ, một nhà lập pháp và một nhà hoạt động bảo thủ.
Ngày 5-12-2023, Ủy ban giáo dục và lực lượng lao động của Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra về tình trạng bài Do Thái ở Đại học Harvard. Sau đó, ủy ban này cũng tuyên bố mở rộng điều tra về những cáo buộc đạo văn với bà Gay. Ngay từ trước phiên điều trần trước Quốc hội của bà Gay, có nhiều nhà tài trợ lớn của Harvard cho biết đang cân nhắc lại những cam kết tài trợ cho trường này. Các tỷ phú như Idan Ofer và Leslie Wexner đã rút lại sự ủng hộ trong khi các nhà tài trợ giàu có khác vốn là cựu sinh viên của trường cũng đã thu hẹp giá trị khoản tiền hiến tặng.
TRẦN ĐẮC LUÂN