Quốc tế
Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch toàn cầu tăng cao
Dù Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu nhưng tác động của nó vẫn còn hiện hữu cho đến nay, trong đó có tình trạng đáng báo động về sự gia tăng đột biến các ca tử vong liên quan đến tim mạch hậu đại dịch.
Số ca tử vong do tim mạch tăng đột biến sau Covid-19. Ảnh minh họa: The Heart Foundation |
Nghiên cứu mới của các chuyên gia Mỹ xác nhận tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch bắt đầu từ năm 2020 tiếp tục gia tăng đáng kể. Xu hướng này tiếp tục đảo ngược những cải tiến của nhân loại đã đạt được trước thời điểm Covid-19 bùng phát trong nỗ lực giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim và đột quỵ vốn là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Những phát hiện này được báo cáo trên Tạp chí Y tế dự phòng Mỹ.
Mối liên hệ giữa Covid-19 và bệnh tim
Theo New York Post, các nhà điều tra từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern (Mỹ) gần đây phân tích thông tin từ hơn 10 triệu giấy chứng tử của người trưởng thành ở Mỹ (trên 35 tuổi) từ năm 2010 đến năm 2022. Các chuyên gia quy kết nhiều yếu tố từ Covid-19 là thủ phạm gây ra sự gia tăng đáng buồn này. Tiến sĩ Rebecca C. Woodruff, nhà dịch tễ học của CDC, cho biết: “Chúng tôi lo ngại về bằng chứng mới cho thấy kết quả bệnh tim mạch trở nên tồi tệ hơn trong 2 năm đầu tiên sau Covid-19”. Theo Tiến sĩ Woodruff, đây là những trường hợp tử vong do mắc bệnh tim và đột quỵ vốn đã được cải thiện trước đại dịch.
Nhìn vào các xu hướng hằng năm từ năm 2010 đến năm 2022, phát hiện của các nhà nghiên cứu cho thấy số ca tử vong do bệnh tim mạch đã tăng 9,3% từ năm 2020 đến 2022 với 228.000 ca trên tất cả các nhóm nhân khẩu học. Điều này trái ngược hoàn toàn với mức giảm 8,9% của năm 2010 - 2019. Sự đảo ngược được thể hiện rõ ràng ở nhiều lứa tuổi, giới tính và một số nhóm chủng tộc và sắc tộc.
Tiến sĩ Woodruff mô tả kết quả này là bước thụt lùi lâu dài đối với sức khỏe người dân, hiển nhiên sau khi tình trạng về sức khỏe cộng đồng phần lớn đã ổn định. Lý giải về nguyên nhân của sự gia tăng số ca tử vong do tim mạch, bà Woodruff và tổ chức CDC đều cho rằng, thời điểm Covid-19 hoành hành toàn cầu đã làm gián đoạn khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nhiều người, điều này có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị bệnh tim mãn tính hoặc cấp tính. Mặt khác, cuộc khủng hoảng y tế này cũng làm gián đoạn nhiều khía cạnh của cuộc sống hằng ngày, khiến mọi người khó thực hiện những việc ngăn ngừa bệnh tim hơn, bao gồm kiểm soát huyết áp, ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất, kiểm soát cân nặng, kiểm soát cholesterol và quản lý lượng đường trong máu. Và điều tồi tệ nhất là bằng chứng mới cũng chỉ ra mối liên hệ giữa những người đã từng mắc Covid-19 và nguy cơ mắc bệnh tim mạch và bệnh nền này sẽ ngày càng trầm trọng hơn, qua đó làm gia tăng tỷ lệ tử vong.
Tăng cường phòng ngừa bệnh tim mạch
Hiện, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Liên đoàn Tim mạch thế giới (WHF) năm 2023, số ca tử vong do bệnh tim mạch tăng trên toàn cầu từ 12,1 triệu người vào năm 1990 lên 20,5 triệu người vào năm 2021. Căn bệnh này là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới vào năm 2021, với 4/5 trường hợp tử vong do bệnh tim mạch xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch cao nhất xảy ra ở khu vực Trung Âu, Đông Âu và Trung Á. Số liệu thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ tử vong sớm do bệnh tim mạch hiện đã tăng ở Anh trong 3 năm trở lại đây. Đây là lần đầu tiên xu hướng này đảo chiều rõ ràng trong gần 60 năm. Số người chết trước 75 tuổi ở Anh do các bệnh về tim và tuần hoàn đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập niên qua.
Tiến sĩ Woodruff lưu ý: “Nghiên cứu để hiểu nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch có thể giúp hướng dẫn các phương pháp tiếp cận y tế công cộng và lâm sàng để ngăn ngừa, phát hiện và điều trị bệnh tim mạch sớm nhất có thể. Tái ưu tiên phòng ngừa và quản lý bệnh tim mạch là bước thiết yếu đầu tiên”. Giáo sư Mariachiara Di Cesare thuộc Viện Y tế Công cộng và Phúc lợi tại Đại học Essex (Anh) cho biết. theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, các quốc gia phải đầu tư ít nhất 5% GDP để giúp giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh tim mạch”.
Hơn 200 triệu chứng hậu Covid-19 Hầu hết mọi người chỉ gặp các vấn đề như sốt và ho, có thể nghẹt mũi và khó thở. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, virus Corona có khả năng gây ra nhiều bệnh hơn là một bệnh hô hấp đơn giản, ảnh hưởng đến các cơ quan trên khắp cơ thể, bao gồm tuyến tụy, mạch máu và hệ thống sinh sản, với hơn 200 triệu chứng có thể tồn tại trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Tiến sĩ Nisha Viswanathan, Giám đốc chương trình Covid-19 dài hạn tại Trường Y David Geffen thuộc Đại học California (Mỹ) cho biết: “Covid-19 hoàn toàn không phải là một căn bệnh về phổi mà thực chất có thể gây ra nhiễm trùng mạch máu và thần kinh, ảnh hưởng hệ thống tim mạch”. |
THƯ LÊ