Quốc tế

Ông Thaksin có trở lại chính trường?

08:02, 20/02/2024 (GMT+7)

Rốt cuộc thì sau 17 năm, ngày 18-2, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã được về nhà - dinh thự Baan Chan Song Lah - ở thủ đô Bangkok sau khi được hưởng lệnh ân xá.

Bất kể được dự đoán rộng rãi từ trước, việc ông Thaksin ra tù trước thời hạn vẫn rất được dư luận trong và ngoài nước quan tâm. Có thể thấy rõ thực tế này ngay từ việc giới quan sát rất chú ý tới chi tiết ông Thaksin chọn cách công khai việc ra tù của mình, một động thái được cho là hàm ý ngầm cho biết sẽ sớm trở lại chính trường của vị cựu thủ tướng đã 74 tuổi. Thay vì lặng lẽ và kín đáo rời Bệnh viện Đa khoa cảnh sát (là nơi giam giữ), ông Thaksin chọn xuất hiện trước công chúng vào ngày ông được hưởng ân xá.

Sự hiện diện của ông Thaksin trong tư cách một công dân tự do được nhận định sẽ là yếu tố mau chóng làm thay đổi cục diện chính trị Thái Lan. Hầu hết giới phân tích đều cho rằng, ông Thaksin vẫn là nhà lãnh đạo trên thực tế của liên minh cầm quyền do đảng Pheu Thái lãnh đạo hiện nay. Ông sẽ là trung tâm quyền lực chính trị của chính phủ đương nhiệm và hoàn toàn có khả năng làm lu mờ vai trò của đương kim thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin.

Trong động thái đầy hàm ý, chỉ vài giờ sau khi ông Thaksin về nhà, ông Srettha Thavisin đã nói “chỉ có một thủ tướng” ở Thái Lan, rồi thậm chí nhấn mạnh thêm là hiện tại Thái Lan không phải được điều hành bởi hai thủ tướng. Những lời nói ấy rõ ràng là để đáp lại những đồn đoán và cả lo lắng đang gia tăng trước câu hỏi ai đang là người điều hành thực sự của chính phủ hiện nay, là ông Srettha Thavisin hay ông Thaksin Shinawatra?

Thực tế ai cũng hiểu vì sao có những đồn đoán ấy nếu nhìn lại cả quá khứ lẫn hiện tại về tầm ảnh hưởng chính trị của gia tộc Shinawatra. Dù muốn hay không, người ta cũng không thể phủ nhận ông Thaksin vẫn luôn là lãnh đạo tối cao, là linh hồn của đảng Pheu Thai.

Hồi năm 2011 (tức 5 năm sau khi ông Thaksin bị lật đổ trong vụ đảo chính quân sự), slogan của đảng này vẫn là “Thaksin thinks, Pheu Thai acts” (Thaksin tư duy, Pheu Thái hành động). Em gái ông, bà Yingluck Shinawatra, cũng nối bước anh trai để trở thành thủ tướng vào năm 2011. Mới đây nhất, con gái ông, bà Paetongtarn Shinawatra, cũng là lãnh đạo đảng cầm quyền Pheu Thai. Cũng bởi vậy mà thậm chí đã có người nói nửa đùa nửa thật rằng chẳng sớm thì muộn có lẽ đảng Pheu Thai sẽ được đổi tên thành đảng Shinawatra.

Giới quan sát tự hỏi, liệu ông Thaksin sẽ chọn cách tham gia chỉ đạo các vấn đề chính sách của chính phủ một cách công khai thông qua các “tút” trên mạng xã hội, hay ông sẽ lặng lẽ điều hành theo kiểu “buông rèm nhiếp chính” trong vai trò cố vấn tối cao của chính phủ và đảng Pheu Thai? Với một chính trị gia kỳ cựu như ông Thaksin, nếu không phải vì sức khỏe, thật khó để người ta tin ông sẽ rời chính trường để vui thú điền viên lúc này.

Trong bối cảnh đó, có thể có sức ép cũng như đòi hỏi sự thể hiện năng lực rõ ràng đang đặt ra lớn hơn bao giờ hết với đương kim thủ tướng Srettha. Vị cựu doanh nhân bất động sản 62 tuổi sẽ phải nỗ lực hơn nữa để nhanh chóng chứng tỏ với công chúng cũng như với đảng Pheu Thai ông là lựa chọn đúng đắn cho chiếc ghế thủ tướng. Chưa kể là con gái ông Thaksin, bà Paetongtarn, đã ở vị trí sẵn sàng để thay thế ông Srettha bất cứ lúc nào nếu ông không chứng tỏ năng lực của mình.

Tuy nhiên, với sự dày dặn kinh nghiệm của mình, có lẽ trong những tuần tới, ông Thaksin sẽ còn lắng nghe và cảm nhận phản ứng của dư luận trước khi có những hành động cụ thể. Dù sao đi nữa, động thái can thiệp vào công việc của ông Srettha lúc này sẽ gây ra bất ổn chính trị và có thể gây hiệu ứng ngược với đảng Pheu Thái, cũng là với ông Thaksin.

ĐỖ DƯƠNG

.