Quốc tế
Châu Âu hoang mang trước hiểm họa khủng bố
Nếu quả thực IS là chủ mưu vụ tấn công khủng bố chấn động ở Nga vừa qua thì tình hình sắp tới sẽ càng phức tạp, không chỉ với Nga mà còn trên toàn châu Âu. Trong tâm thế “trông người lại ngẫm đến ta”, các nước châu Âu đồng loạt chủ động nâng cao cảnh giác trước hiểm họa khủng bố trở lại “lục địa già”.
Người dân đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân xấu số trong vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall. Ảnh: AP |
Nga điều tra kín vụ tấn công
Ngày 25-3, TASS dẫn thông báo mới nhất của Ủy ban điều tra cho biết, tổng cộng 137 người thiệt mạng trong vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall ngày 22-3 và số thương vong có thể tiếp tục tăng, trong khi có 182 người khác bị thương. Ngày 24-3, Tòa án quận Basmanny ở Moscow tuyên bố, cả 4 nghi phạm tham gia trực tiếp vụ xả súng đều bị buộc tội khủng bố và 3 trong số đó đã nhận tội.
Những nghi phạm này bị tạm giam cho đến ngày 22-5, song có thể lâu hơn tùy vào thời điểm ấn định ngày xét xử. Vụ án đang được điều tra kín để giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho quá trình thực hiện. Nhiều khả năng các nghi phạm sẽ đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết tội. Do đó, giới chức Nga kêu gọi khôi phục án tử hình đối với trường hợp liên quan chủ nghĩa khủng bố và giết người. Tuy nhiên, việc áp dụng lại án phạt tử hình chỉ có thể thực hiện được thông qua sửa đổi Hiến pháp. Ngày 25-3, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận về việc liệu tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đứng sau vụ tấn công hay không trong khi cuộc điều tra vẫn diễn ra.
Vụ tấn công này gây thiệt hại ước tính hơn 100 triệu USD và là một trong những vụ khủng bố gây thương vong lớn nhất tại Nga trong 25 năm qua. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Nga đối mặt với những mất mát, đau thương như vậy. Tại Nga, IS gây ra nhiều vụ tấn công trong khoảng thời gian 2016-2019, cộng thêm nhiều âm mưu khác từ năm 2021-2023. Vào tháng 9-2022, ISIS-K từng đánh bom Đại sứ quán Nga ở Kabul (Afghanistan).
Nhiều nước nâng cao cảnh giác
Vụ tấn công khiến nhiều nước châu Âu thực sự lo ngại. Kể từ năm 2019, số vụ tấn công do IS thực hiện giảm đáng kể và mối quan tâm của công chúng chuyển sang các vấn đề cấp bách khác như Covid-19. Do đó, giới phân tích bắt đầu nói về cái gọi là sự mệt mỏi và tâm lý chủ quan trước thông tin khủng bố nhưng thời gian cho thấy những quan điểm đó là sai lầm bởi IS vẫn có thể trỗi dậy trở lại bất cứ lúc nào.
Theo AP, ngày 24-3, Bộ trưởng Quốc phòng Ý cho rằng, vụ khủng bố cho thấy mức độ nguy hiểm và lo ngại cuộc tấn công tương tự có thể xảy ra ở những quốc gia có “chân rết” hay có sự hiện diện của các thành viên IS. Cùng ngày, Tờ Bild dẫn nguồn tin từ các cơ quan an ninh Đức cho biết, một số nhóm cực đoan như IS đang lên kế hoạch tấn công khủng bố ở Đức và các nước Tây Âu khác. Một quan chức chống khủng bố của Đức nói: “Mùa hè này, Đức sẽ đăng cai Giải vô địch bóng đá châu Âu và cùng với đó có sự kiện Thế vận hội Olympic ở Paris (Pháp). Cả thế giới sẽ hướng đến những sự kiện này và theo logic của những kẻ khủng bố, đây là những mục tiêu hoàn hảo”.
Theo Reuters, ngày 24-3, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal thông báo, chính phủ sẽ nâng mức cảnh báo khủng bố lên cấp độ cao nhất sau vụ tấn công khủng bố ở Nga trong bối cảnh Pháp đang phải đối mặt với những mối đe dọa an ninh. Động thái này cũng là diễn biến tâm lý dễ hiểu bởi Pháp, cùng với Đức và Anh hiện vẫn là những quốc gia chịu ảnh hưởng từ nạn khủng bố nhiều nhất châu Âu, theo chỉ số khủng bố toàn cầu mà Asia Times đăng tải.
Tờ Guardians dẫn báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc nhận định, trong 12 tháng gần đây, IS đã tăng cường tuyển dụng tay súng từ Tajikistan và nhiều quốc gia Trung Á khác. Đồng quan điểm, Bild cũng cho biết, một số đối tượng đến các nước châu Âu dưới vỏ bọc những người tị nạn từ Afghanistan, Tajikistan hoặc Uzbekistan. Chúng sử dụng giấy tờ giả và mục tiêu của chúng sau khi nhập cảnh là tấn công khủng bố. Những kẻ Hồi giáo cực đoan ở châu Âu thường được tuyển dụng và hướng dẫn hành động qua Telegram. Các cơ quan tình báo Đức xác định rằng nhóm người Tajikistan ở Tây Âu có mạng lưới khủng bố với hơn 100 người Hồi giáo.
Những thông tin này dường như tương đồng với thông tin ban đầu từ lời khai của các nghi phạm trong vụ tấn công vừa qua bởi tất cả đều là công dân Tajikistan và một trong số đó khai đã nghe bài giảng của một nhà thuyết giáo trên Telegram trước khi bị kẻ chủ mưu lôi kéo tham gia tấn công. Trang Conversation cũng cho rằng, cách thức tiến hành vụ việc ngày 22-3 trùng khớp với các cuộc tấn công trước đó của IS.
Đến nay, dù Nga vẫn chưa thừa nhận IS chịu trách nhiệm vụ tấn công nhưng bất kể những kẻ khủng bố là ai thì thảm kịch này cho thấy hai mối lo ngại chính. Đầu tiên, các tổ chức khủng bố có thể sử dụng các xung đột đã có từ trước và sự chú ý của giới truyền thông để thúc đẩy lợi ích và tham vọng trỗi dậy của chúng. Thứ hai, hành động của các tổ chức này có khả năng làm trầm trọng thêm các xung đột đang diễn ra, trong đó xung đột ở Ukraine là điển hình.
THƯ LÊ