Quốc tế
EU trước muôn vàn nỗi lo
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) lần này diễn ra tại Brussels (Bỉ) trong hai ngày 21 và 22-3 được xem là cơ hội để các nước thành viên tìm tiếng nói chung trước các vấn đề cấp bách đang đặt ra cả trước mắt và lâu dài; trong đó, vấn đề Ukraine được xem là ưu tiên số một của khối.
Sau nhiều tháng gây tranh cãi, nút thắt về viện trợ của EU cho Ukraine vừa được tháo gỡ khi Hungary chấp nhận có điều kiện để thông qua gói viện trợ 5,5 tỷ USD, thì việc thúc đẩy các nước thành viên trực tiếp tăng nguồn viện trợ cho Ukraine nhằm giải quyết cơn khát đạn dược đang trở thành nhiệm vụ cấp bách. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của EU là tăng tốc mua sắm và chuyển giao đạn dược cho Ukraine. Tuy nhiên, việc đoàn kết EU liên quan ủng hộ Ukraine có thể trở nên khó khăn hơn nhiều so với trước đây nhất là sau khi Mỹ ngưng viện trợ cho Ukraine do lục đục nội bộ thì một số nước EU tỏ ra hoài nghi sự ủng hộ của Mỹ cũng như cảm thấy gánh nặng viện trợ đang dồn lên “lục địa già”.
Không chỉ có vậy, cải cách nông nghiệp cùng với sự phản kháng mạnh mẽ của nông dân nhiều nước trong khối về hàng nông sản của Ukraine gia tăng cũng là bài toán khó vô cùng cho các nhà lãnh đạo EU. Thậm chí, do lo ngại làn sóng phản đối tăng cao trong bối cảnh khi nhiều nước đang tổ chức các cuộc bầu cử, nên việc EU thúc đẩy tiến trình kết nạp Ukraine cũng được triển khai một cách bí mật.
Đi cùng với thách thức nói trên là việc xây dựng chiến lược chung cho châu Âu cũng như từng thành viên như thế nào trước sự biến động nhanh chóng về địa chính trị, nhất là cuộc xung đột Nga-Ukraine, hay cuộc xung đột Israel-Hamas và những ảnh hưởng của “nhân tố Mỹ”.
Rủi ro trước mắt có thể xuất hiện là tình trạng không còn một EU có vị thế địa chính trị nữa, thay vào đó là một khối cô lập hơn xuất hiện. Ủy ban châu Âu (EC) từng chỉ ra các thách thức chủ yếu đối với EU trong những năm tới cũng nhận thấy việc gia tăng tìm kiếm tầm ảnh hưởng và hiện diện tại các diễn đàn quốc tế của các quốc gia mới nổi với sự đan xen các chiến lược hợp tác và đối đầu. Điều này là thách thức đối với hiệu quả hợp tác quốc tế trong các vấn đề xuyên quốc gia, khiến các nước thành viên gặp khó trong giải quyết hàng loạt thách thức.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất phía trước chắc chắn sẽ là phản ứng của EU trước khả năng quay trở lại nắm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chiến thắng của ông Trump sẽ khơi lại căng thẳng xuyên Đại Tây Dương, cản trở đáng kể sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine và cũng làm tăng nguy cơ chiến tranh thương mại. Đặc biệt, vấn đề lớn nhất là việc ông Trump có thể thúc đẩy Mỹ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng như trật tự chính trị và an ninh châu Âu, do đó sẽ tạo “cơn ác mộng” hiện hữu với nhiều nước EU.
Một thách thức khác mà EU không thể đứng ngoài là tình hình Trung Đông hiện nay. Ông Michel nhấn mạnh sự cần thiết của việc ngừng bắn để bảo vệ dân thường ở Gaza, cho phép các con tin trở về an toàn và bảo đảm khả năng cung cấp hỗ trợ nhân đạo khi cần thiết; đồng thời phải nhanh chóng ngăn chặn leo thang tại khu vực, đặc biệt ở Lebanon và Biển Đỏ vốn là khu vực mà EU vừa có tầm ảnh hưởng cả về lợi ích kinh tế lẫn chính trị.
Ngoài ra, EU phải đối mặt là dòng người di cư không suy giảm sẽ ngày càng thách thức sự đoàn kết, gắn kết và an ninh biên giới của khối. Di cư cũng có thể trở thành một vấn đề gây bất ổn, đặc biệt là do những biện pháp bằng cách thu hút hợp tác từ những nước ở ngoại vi châu Âu, như EU đã làm trong quá khứ, sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Có thể nói, EU đang có xu hướng hướng nội, rủi ro là không đạt được mục tiêu một EU “địa chính trị”, thay vào đó, một châu Âu cô lập hơn dường như ngày càng rõ ràng, dẫn đến EU không có khả năng giải quyết một cách đáng tin cậy loạt thách thức ngày càng gia tăng.
LÊ MINH HÙNG