Quốc tế
Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của NATO
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết, nước này sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo AP, Tổng thống Duda đưa ra ý kiến nói trên trong cuộc phỏng vấn đăng trên tờ Fakt ngày 22-4. Theo ông Duda, Nga gần đây đã chuyển vũ khí hạt nhân sang Belarus và đẩy mạnh quân sự hóa khu vực Kaliningrad, một vùng lãnh thổ thuộc Nga ở Viễn Tây mà Ba Lan có chung đường biên giới. “Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi... để củng cố sườn phía đông của NATO, thì chúng tôi sẵn sàng”, ông Duda nói. Ông cho biết Ba Lan nhận thức được nghĩa vụ của mình trong liên minh gồm 32 thành viên này.
Đã tham vấn với Mỹ?
Tuyên bố trên được ông Duda đưa ra sau chuyến thăm tới New York (Mỹ), nơi ông tiến hành các cuộc họp ở trụ sở Liên Hợp Quốc và thảo luận về xung đột ở Ukraine với cựu Tổng thống Donald Trump. Trước đó, ông tới Washington gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo Tổng thống Ba Lan, các cuộc thảo luận về hợp tác hạt nhân giữa Ba Lan và Mỹ đã diễn ra trong một thời gian. “Chúng tôi là thành viên NATO và chúng tôi có nghĩa vụ của mình, tức Ba Lan chỉ đơn giản thực hiện chính sách chung”, ông Duda nhấn mạnh.
Thủ tướng Donald Tusk, người có cùng quan điểm với ông Duda về an ninh quốc gia, cho biết, tiềm năng an ninh và quân sự của Ba Lan là ưu tiên, nhưng cho biết: “Bất kỳ sáng kiến tiềm năng nào, trước hết phải được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi những người chịu trách nhiệm. Có thể nói rằng ý tưởng này hoàn toàn to lớn và nghiêm túc”. Mỹ hiện triển khai vũ khí hạt nhân tại 5 nước thành viên NATO là Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cảnh báo từ Nga
Theo RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố quyết định triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, nước láng giềng và cũng là đồng minh chủ chốt của Nga, vào năm ngoái. Thời điểm đó, chủ nhân Điện Kremlin nói rằng, việc Anh quyết định cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine chính là nguyên nhân buộc Nga làm điều này. Ông Putin cũng cũng chỉ ra rằng Nhà Trắng đã đặt vũ khí hạt nhân ở châu Âu trong nhiều thập niên.
Cũng theo RT, sau tuyên bố của Tổng thống Ba Lan, trong cuộc họp báo ngày 22-4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, quân đội Nga sẽ phân tích tình hình, trong trường hợp Ba Lan tiếp nhận vũ khí hạt nhân, Nga sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh. Trong khi đó, theo TASS, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga sẽ cân nhắc mọi kịch bản Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan trong kế hoạch quân sự của mình. Bà Zakharova cũng cảnh báo, “nếu vũ khí hạt nhân của Mỹ xuất hiện trên lãnh thổ Ba Lan, các cơ sở liên quan sẽ ngay lập tức bị liệt vào danh sách mục tiêu hợp pháp trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga với NATO”.
Cùng ngày, TASS dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại hội nghị Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Moscow, nhận định, sự hỗ trợ của “bộ ba” hạt nhân Mỹ, Anh và Pháp dành cho Ukraine đang gây ra những rủi ro chiến lược nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Để ngăn chặn tình hình thế giới xấu đi hơn nữa, đồng thời duy trì ổn định lâu dài và giải trừ vũ khí trên thực tế, tất cả các nước nên nỗ lực tăng cường hệ thống an ninh quốc tế dựa trên các nguyên tắc đa phương, bình đẳng và không thể chia cắt.
NGHI VĂN