Quốc tế

Cuộc chiến pháp lý xung quanh lệnh cấm TikTok ở Mỹ

08:05, 25/04/2024 (GMT+7)

Ngày 23-4, Thượng viện Mỹ phê chuẩn dự luật với số phiếu thuận áp đảo, nhất trí ủng hộ việc sẽ cấm ứng dụng TikTok hoạt động tại Mỹ.

Những người ủng hộ TikTok mang biểu ngữ tuần hành, yêu cầu chính phủ Mỹ không cấm ứng dụng này. Ảnh: Getty Images
Những người ủng hộ TikTok mang biểu ngữ tuần hành, yêu cầu chính phủ Mỹ không cấm ứng dụng này. Ảnh: Getty Images

Sau khi được Tổng thống Joe Biden ký ban hành, ứng dụng được khoảng 170 triệu người Mỹ sử dụng này sẽ đối mặt với việc phải “bán mình” nếu không muốn đối diện án phạt. Nhưng đó là về lý thuyết, còn trên thực tế, cuộc chiến pháp lý xung quanh lệnh cấm này dường như không đơn giản, nhất là khi mở ra tranh luận gay gắt về việc liệu lệnh cấm có vi phạm quyền tự do ngôn luận đã được quy định trong Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ hay không.

Ra hạn chót

Trong nhiều năm qua, giới lập pháp cũng như nhiều quan chức chính quyền Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể buộc ByteDance (công ty mẹ của TikTok) phải giao nộp dữ liệu người dùng ở Mỹ, hoặc biến ứng dụng chia sẻ video ngắn này thành nền tảng để thao túng ảnh hưởng dư luận Mỹ thông qua việc kiềm chế hay thúc đẩy nội dung nhất định nào đó. “Quốc hội không phải đang trừng phạt ByteDance, TikTok hay bất cứ một công ty cụ thể nào. Quốc hội chỉ đang hành động để ngăn chặn các đối thủ bên ngoài tiến hành do thám, theo dõi, các chiến dịch nhằm làm hại những người Mỹ dễ tổn thương”, AP dẫn lời bà Maria Cantwell, Chủ tịch Ủy ban Thương mại thượng viện Mỹ, giải thích.

Dự luật nói trên gia hạn cho Bytedance trong khoảng 9 tháng phải bán TikTok nếu không muốn bị cấm trên toàn nước Mỹ. Tất nhiên, ByteDance không dễ chịu khuất phục khi đã cam kết sẽ đối đầu với Chính phủ Mỹ ở tòa án để đảo ngược vấn đề. Ông Michael Beckerman, người phụ trách chính sách cộng đồng của TikTok tại châu Mỹ, đã nói trong thư gửi các nhân viên công ty rằng sau khi luật được ký, họ sẽ khởi kiện lên tòa.

Không thể phủ nhận Mỹ là thị trường trọng yếu với ByteDance, giúp họ trở thành một trong những gã khổng lồ công nghệ phát triển nhanh nhất thế giới trong các năm qua. TikTok cũng đang nuôi ý định tăng trưởng quy mô mảng kinh doanh thương mại điện tử tại Mỹ lên gấp 10 lần trong năm 2024.

Trung Quốc có danh sách các công nghệ mà trước khi xuất khẩu bất cứ thứ gì trong đó đều cần phải có sự chấp thuận của chính phủ. Một nguồn tin riêng tiết lộ với Bloomberg là Chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ rõ quan điểm họ không muốn bất cứ thuật toán hay tài nguyên dữ liệu nào của TikTok rơi vào tay một chủ sở hữu của Mỹ.

Câu chuyện pháp lý

Tuy nhiên, ngay trong nội bộ chính giới Mỹ cũng không phải mọi ý kiến đều đồng thuận với dự luật cấm TikTok. Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Rand Paul của bang Kentucky cho rằng, dự luật đã vi phạm Tu chính án thứ nhất và các điều khoản khác trong Hiến pháp của nước Mỹ, vậy nên ông dự báo các phiên tòa tương lai sẽ bác bỏ luật đó.

Những người phản đối dự luật cũng cho rằng, cách tốt nhất để bảo vệ người dùng Mỹ là thực thi luật quyền riêng tư về dữ liệu liên bang toàn diện và áp dụng với mọi công ty bất kể nguồn gốc. Cho tới nay Chính phủ Mỹ vẫn chưa công khai các bằng chứng cho thấy TikTok đã chia sẻ thông tin của người dùng Mỹ với chính quyền Trung Quốc, hay chứng cứ của việc các quan chức Trung Quốc tham gia can thiệp vào thuật toán của nền tảng này.

Washington Post dẫn lời bà Becca Branum, chuyên gia về quyền kỹ thuật số của con người thuộc  tổ chức Trung tâm Dân chủ và Công nghệ tại Mỹ, cho rằng, việc cấm hoàn toàn TikTok là hành động cực đoan và cần phải có lý do đủ sức thuyết phục. Cũng theo Washington Post, Thượng nghị sĩ Ron Wyden, thành viên đảng Dân chủ bỏ phiếu ủng hộ luật, cho biết dù có những quan ngại về TikTok, song cũng lo lắng luật đó sẽ gây hệ quả tiêu cực với tự do ngôn luận khi quyền riêng tư của người dùng sẽ không được bảo vệ đầy đủ. Bên cạnh đó, luật đó có thể bị một chính quyền sau này lạm dụng để vi phạm các quyền được quy định trong Tu chính án thứ nhất.

Những kịch bản tiếp theo
Sau khi ông Biden ký phê chuẩn, thời hạn 270 ngày buộc ByteDance phải bán TikTok sẽ chính thức kích hoạt. Trong trường hợp ByteDance sắp đạt thỏa thuận bán ứng dụng vào giai đoạn gần cuối của thời hạn chót, Tổng thống có thể gia hạn thêm 90 ngày. Như vậy, nếu luật được ký phê chuẩn trong tuần này, thời hạn 270 ngày sẽ kết thúc vào cùng thời gian lễ nhậm chức Tổng thống mới của Mỹ, ngày 20-1-2025.
Sau khi dự luật thành luật, TikTok sẽ khởi kiện và các luật sư sẽ yêu cầu tòa án ban hành lệnh tạm thời để họ có đủ thời gian chất vấn tính hợp hiến của điều luật đó. Hiện khó đoán thủ tục tố tụng có được hoàn thành trước cuối năm nay hay không. Năm ngoái, TikTok có hành động pháp lý tương tự nhằm ngăn chặn lệnh cấm tại bang Montana và khi ấy họ cũng được tòa ban hành một lệnh tạm thời. Nếu lần này TikTok có thể nhận được lệnh tạm thời từ tòa án, quá trình bị ép buộc phải bán TikTok sẽ được tạm dừng, và họ sẽ có thêm thời gian để hoạt động tự do ở Mỹ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.