Quốc tế
Điểm nhấn trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Đức
Một nhân tố không kém phần quan trọng để duy trì phát triển kinh tế mà chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz phải giải quyết là những lĩnh vực mũi nhọn vẫn đang phụ thuộc rất lớn từ bên ngoài. Chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông cho thấy nỗ lực này.
Theo Viện Kinh tế Đức, kinh tế Đức vẫn phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc về nhiều sản phẩm và nguyên liệu thô, bất chấp nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường. Dù tổng lượng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm gần 1/5 trong năm 2022 - 2023, nhưng tỷ lệ các loại sản phẩm mà Đức phụ thuộc vào Trung Quốc với hơn một nửa lượng nhập khẩu vẫn ổn định.
Đặc biệt, Trung Quốc vẫn cực kỳ quan trọng đối với ngành công nghiệp Đức, đáng chú ý nhất là các nhà sản xuất ô-tô, vốn điều hành một số liên doanh địa phương với các đối tác Trung Quốc tại thị trường ô-tô lớn nhất thế giới. Năm ngoái, đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 11,9 tỷ euro, cho thấy các công ty hàng đầu của Đức vẫn tiếp tục đổ tiền vào Trung Quốc, quốc gia mà Đức gọi là “đối thủ mang tính hệ thống”.
Ngoài ra, đôi bên vẫn còn bất đồng sâu sắc, nhưng đáng chú ý nhất là các cuộc điều tra đối kháng của Liên minh châu Âu (EU) đối với việc “trợ giá” xe điện, tấm pin mặt trời và tua-bin gió của Trung Quốc và việc Đức đang gặp bất lợi khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh, chỉ còn tương đương với mức xuất khẩu của năm 2014.
Theo Le Monde, trong chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc vào tháng 11-2022 trên cương vị thủ tướng, ông Scholz cố hòa giải với nước này để duy trì cán cân thương lại và tránh đối đầu. Maximilian Butek, Chủ tịch Phòng Thương mại Đức ở miền đông Trung Quốc cho rằng, việc mở cửa thị trường Trung Quốc là điều sống còn: Để mất thị trường này có thể còn gây thiệt hại hơn là các lợi ích thu được từ việc tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, diễn biến trên thực tế không như mong đợi mà ngày càng bộc lộ những yếu tố bất lợi cho kinh tế Đức, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị toàn cầu khó lường, cũng như những tác động tiêu cực từ xung đột Nga-Ukraine và mới đây là Trung Đông nổi cơn sóng dữ.
Để thực hiện mục tiêu “thích hòa giải với Trung Quốc hơn là đối đầu”, Thủ tướng Scholz bắt đầu thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 14- 4 đến ngày 16-4 với vấn đề kinh tế được đặt lên hàng đầu. Trong chuyến thăm lần thứ 2 này, đồng thời cũng là lãnh đạo một nước lớn phương Tây đầu tiên thăm Trung Quốc trong năm nay, ông Scholz sẽ hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hội đàm với Thủ tướng Lý Cường , thăm các thành phố Thượng Hải và Trùng Khánh, nơi có nhiều doanh nghiệp Đức đang đầu tư kinh doanh.
Tháp tùng ông Scholz là lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Đức như Siemens, Mercedes-Benz, BMW vốn bày tỏ lập trường tích cực đối với kinh tế Trung Quốc cũng như kỳ vọng khai thác lớn hơn nữa tiềm năng của thị trường rộng lớn nước này; đồng thời nhấn mạnh lập trường phản đối chủ nghĩa bảo hộ tại “Hội nghị bàn tròn Đầu tư vào Trung Quốc” do Bộ Thương mại Trung Quốc tổ chức tại Đức tuần trước.
Ở khía cạnh khác, điều đó càng cho thấy các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Đức đã đi ngược lại lời kêu gọi “xa lánh Trung Quốc” của Mỹ và EU; đồng thời phản ánh sự phụ thuộc liên tục của Đức vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, bất chấp những nỗ lực nhằm giảm rủi ro toàn cầu.
Rõ ràng, chuyến thăm lần này được kỳ vọng không chỉ củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác Đức - Trung Quốc mà còn giúp đưa EU và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Global Times dẫn lời chuyên gia Zhao Junjie ở Viện Nghiên cứu châu Âu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, trong lúc Đức đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ cả bên trong và bên ngoài, chuyến thăm của Thủ tướng Scholz tới Trung Quốc có ý nghĩa chính trị rất quan trọng.
LÊ MINH HÙNG