Quốc tế
Những thân phận đói nghèo giữa lòng châu Âu
Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với những vấn đề xã hội rất lớn, tỷ lệ đói nghèo đang gia tăng tại nhiều nước, bao gồm các nền kinh tế lớn nhất khu vực.
Một người vô gia cư sống dưới mái vòm tại thành phố Berlin (Đức). Ảnh: Reuters |
Theo định nghĩa về đói nghèo của EU, những người đang ở ít nhất 1 trong 3 tình trạng sau sẽ xếp vào diện này là: có nguy cơ nghèo; lâm vào tình trạng yếu thế cả về điều kiện vật chất cũng như xã hội; sống trong một hộ gia đình có “mức độ tham gia công việc rất thấp”.
Gia tăng tỷ lệ nghèo đói
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, theo số liệu thống kê chính thức công bố ngày 10-4, trong năm 2023, hơn 1/5 số người dân tại đây đang đối mặt với nguy cơ đói nghèo hoặc bị gạt ra ngoài xã hội. Con số do văn phòng thống kê liên bang Đức công bố cho thấy, có khoảng 17,7 triệu người (21,2%) đang lâm vào cảnh nghèo đói. Tỷ lệ này nhìn chung không thay đổi so với năm 2022.
Tại Vương quốc Anh, nền kinh tế lớn thứ hai tại châu Âu, tình hình cũng có tín hiệu báo động. Cuối tháng 3-2024, tờ Guardian cho biết, có thêm khoảng 300.000 trẻ em tại nước này rơi vào cảnh nghèo cùng cực chỉ trong một năm do khủng hoảng chi phí sinh hoạt tăng cao. Các số liệu thống kê chính thức cũng cho thấy, tỷ lệ người đói và tỷ lệ sử dụng ngân hàng thực phẩm tăng cao thời gian qua. Các nhà hoạt động xã hội tại Anh cáo buộc Chính phủ đã không hành động đủ để bảo vệ những gia đình nghèo nhất khi có thêm 600.000 người rơi vào cảnh nghèo cùng cực (absolute poverty) trong giai đoạn 2022-2023 khi lạm phát đạt đỉnh 10%.
Tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu, tỷ lệ những người thuộc nhóm nghèo và bị gạt ra ngoài xã hội cũng đang là thực tế báo động, theo trang Humanium.org. Tại quốc gia này, thuật ngữ “nghèo” nhìn chung để chỉ những người nghèo về tài chính và có điều kiện sống thấp kém. Có khoảng 22,8% trong tổng số 14,47 triệu trẻ em ở Pháp vào năm 2021 ở vào nhóm có nguy cơ nghèo và bị “bỏ quên”.
Tại Ý, nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu, tình hình cũng không có gì khác biệt. Bất kể sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19, dữ liệu công bố gần đây của Chính phủ cho thấy số người nghèo ở Ý năm 2023 tăng lên mức cao nhất trong khoảng một thập niên qua. Theo số liệu của cục thống kê quốc gia Ý (ISTAT), những người sống trong cảnh nghèo cùng cực - những người không thể mua được các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu - tăng lên 5,75 triệu (9,8% dân số). Tỷ lệ này nhỉnh hơn một chút so với 9,7% của năm 2022 và là mức cao nhất kể từ khi ISTAT thực hiện thống kê vào năm 2014.
Những thách thức lớn
Nghèo đói có thể được biểu hiện ở nhiều dạng thức khác nhau nhưng đặc biệt ảnh hưởng các nhóm dễ tổn thương nhất, trong đó có trẻ em. Đầu năm nay, UNICEF công bố báo cáo “Tình trạng của trẻ em tại EU năm 2024” nêu bật nguy cơ nghèo đói đang tăng với trẻ em và người trẻ toàn EU. Dù không tập trung vấn đề của những người trưởng thành nhưng báo cáo đưa ra góc nhìn sâu vào tình trạng gia tăng những khó khăn về kinh tế cũng như bị gạt ra ngoài xã hội của nhiều nhóm người tại châu Âu. Gần 1/4 trẻ em tại EU đang bị nghèo đói đe dọa, tỷ lệ này tương đương với khoảng 20 triệu em nhỏ trên toàn các nước EU.
Giới nghiên cứu chỉ ra một số nguyên nhân đáng kể nhất dẫn tới tỷ lệ đói nghèo gia tăng tại châu Âu. Trước hết vẫn là hậu quả kéo dài của Covid-19 khi đẩy nhiều người hơn, đặc biệt những người làm ở các khu vực không chính thức và ngành nghề được trả lương thấp. Tiếp đến là do khủng khoảng chi phí sinh hoạt khi giá lương thực và nhiên liệu tăng cao khiến nhiều hộ gia đình thu nhập thấp rơi vào cảnh giật gấu vá vai kéo dài. Cùng với đó, tác động từ xung đột Nga - Ukraine gây xáo trộn các chuỗi cung ứng và đẩy giá cả tăng cao, ảnh hưởng lớn tới các nhóm dân cư dễ tổn thương. Và cuối cùng, các tấm lưới an sinh xã hội khác nhau giữa các nước thành viên EU cũng ảnh hưởng đáng kể tới đời sống của những nhóm dân yếu thế.
Các nhà hoạch định chính sách của châu Âu đang đối mặt 3 thách thức chính. Trước hết, việc giải quyết tình trạng thất nghiệp và nghèo đói sẽ vẫn là ưu tiên cao không chỉ vì lợi ích của chính nó, mà còn vì những vấn đề này sẽ làm xói mòn sự ổn định của nợ công, cũng như sự phát triển của mỗi quốc gia. Thứ hai, do hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội của các nước EU khác nhau rất lớn nên ở các khu vực/quốc gia khác nhau trong EU sẽ đòi hỏi chính sách có mức độ táo bạo và quyết liệt khác nhau. Hầu hết chính sách tài chính, xã hội và lao động đều là trách nhiệm của mỗi quốc gia thành viên và sẽ đòi hỏi những cải cách chính sách. Tuy nhiên, sự điều phối tốt hơn trong quản lý nhu cầu ở cấp độ EU sẽ là điều được giới chuyên gia cho là cần thiết để có thể tạo ra việc làm. Thứ ba, các hệ thống thuế/lợi nhuận sẽ cần được đánh giá lại để tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, tạo sự bình đẳng giữa các thế hệ trong trong tấm lưới an sinh và chia sẻ gánh nặng công bằng giữa người giàu và người nghèo.
TRẦN ĐẮC LUÂN