Quốc tế

Tính toán mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

07:42, 10/04/2024 (GMT+7)

Việc cân nhắc hợp tác với Nhật Bản thông qua Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) và sớm triển khai các bệ phóng tên lửa tầm trung trên mặt đất ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần đầu tiên sau gần 4 thập niên là những chuyển động mới nhất của Mỹ để đối phó các mối đe dọa an ninh đang gia tăng.

Bộ trưởng Quốc phòng của Úc, Mỹ, Anh tại cuộc họp ở California (Mỹ) vào tháng 12-2023. Ảnh: AFP-JIJI
Bộ trưởng Quốc phòng của Úc, Mỹ, Anh tại cuộc họp ở California (Mỹ) vào tháng 12-2023. Ảnh: AFP-JIJI

Tính toán của Mỹ diễn ra trong bối cảnh các đồng minh thân cận ở trong khu vực, đáng chú ý là Nhật Bản, không ngừng đột phá sức mạnh quân sự.

Thúc đẩy hợp tác quân sự với Nhật Bản thông qua AUKUS

Ngày 8-4, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, AUKUS đang xem xét hợp tác với Nhật Bản về công nghệ tiên tiến - một trong những trụ cột của khuôn khổ an ninh ba bên này. Tham vấn về hợp tác trong tương lai giữa ba đối tác AUKUS và các quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản, sẽ bắt đầu trong năm nay.

Trụ cột đầu tiên của AUKUS xoay quanh cung cấp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Úc trong khi trụ cột thứ hai tập trung cung cấp năng lực tiên tiến và chia sẻ công nghệ ở nhiều lĩnh vực như điện toán lượng tử, bội siêu thanh, trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ mạng. SCMP dẫn tuyên bố chung của AUKUS nhấn mạnh: “Nhận thấy sức mạnh của Nhật Bản và quan hệ đối tác quốc phòng song phương chặt chẽ với cả ba nước, chúng tôi đang xem xét hợp tác với Nhật Bản trong các dự án năng lực tiên tiến thuộc trụ cột thứ hai của AUKUS”.

AUKUS (thành lập vào năm 2021) được xem là nỗ lực chung nhằm ứng phó với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trung Quốc cảnh báo liên minh này có thể châm ngòi chạy đua vũ trang trong khu vực chiến lược này. Global Times dẫn lời nhà nghiên cứu Xiang Haoyu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế (Trung Quốc), nhận định, bằng cách khuyến khích nhiều quốc gia hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines tham gia AUKUS và các nhóm nhỏ khác do Mỹ dẫn dắt, Mỹ muốn giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Nhật Bản có thể là ứng cử viên hàng đầu gia nhập AUKUS nhờ liên minh lâu dài với Mỹ, công nghệ tiên tiến và vị thế trong chuỗi công nghiệp toàn cầu, cùng với vai trò tích cực trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Bên cạnh đó, Nhật Bản có động lực riêng để tham gia hiệp ước, tích cực xuất khẩu vũ khí để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước và nâng cao năng lực quân sự.

Tuy nhiên, trước đồn đoán về khả năng AUKUS kết nạp thêm thành viên, Reuter dẫn lời Thủ tướng Úc Anthony Albanese ngày 9-4 khẳng định, khuôn khổ an ninh này hiện không có kế hoạch mở rộng thành viên mà chỉ đang cân nhắc hợp tác với Nhật Bản để phát triển công nghệ cao.

Triển khai các bệ phóng tên lửa

Theo Reuters, trong chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua, Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Tướng Charles Flynn, tiết lộ quân đội Mỹ đã phát triển các loại hỏa lực chính xác tầm xa, đưa tên lửa đánh chặn SM-6 và tên lửa tấn công từ biển Tomahawk vào danh sách vũ khí có thể được phóng từ hệ thống phóng mới nhằm đối phó các mối đe dọa an ninh đang gia tăng.

Thông tin này là sự xác nhận đầu tiên của ông Flynn về các loại hệ thống vũ khí sẽ được triển khai trong khu vực trong năm nay. SM-6 với tầm bắn hơn 240km được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong khi Tomahawk là tên lửa hành trình cận âm có thể tấn công mục tiêu cách xa khoảng 2.500km. Nhiều chuyên gia suy đoán hệ thống mới này có thể là hệ thống Typhoon trên mặt đất vốn được quân đội Mỹ vận hành từ năm 2023. Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, được coi là địa điểm tiềm năng cho việc triển khai hệ thống này.

SCMP dẫn lời Giáo sư Garren Mulloy từ Đại học Daito Bunka (Nhật Bản) và là chuyên gia về các vấn đề quân sự, cho biết, các bệ phóng mới thường hoạt động tốt trên các phạm vi thử nghiệm ở sa mạc ở Mỹ, nơi chúng không bị ảnh hưởng bởi khí hậu hàng hải và độ ẩm cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, quân đội Mỹ sẽ muốn xem hệ thống mới hoạt động như thế nào trong nhiều điều kiện thử nghiệm khắc nghiệt hơn và bắt đầu huấn luyện các đơn vị vận hành.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, việc triển khai tính toán trên của Mỹ có thể gặp khó nếu xét đến các hiệp ước kiểm soát vũ khí được ký kết. Có nhiều hiệp ước từ thời Chiến tranh Lạnh, gồm triển khai các hệ thống tên lửa, và trong khi một số hiệp ước đã hết hiệu lực hoặc bị hủy bỏ trên thực tế, thì có một số người lập luận việc đưa Typhon vào châu Á - Thái Bình Dương sẽ vi phạm hiệp ước nào đó.

Theo các nhà phân tích, việc Mỹ triển khai các bệ phóng tên lửa tầm trung trên mặt đất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần đầu tiên sau gần 4 thập niên là thông điệp rõ ràng gửi đến Trung Quốc do lo ngại bước tiến quân sự của nước này trong khu vực. Trong khi đó, SCMP dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Trung Quốc không cạnh tranh với các quốc gia khác về sức mạnh quân sự, luôn tuân thủ con đường phát triển hòa bình và kiên quyết theo đuổi chính sách phòng thủ quốc gia.

THƯ LÊ

.