Quốc tế
Đằng sau ý định của NATO về viện trợ hơn 100 tỷ USD cho Ukraine
Nỗi lo bao trùm của phương Tây, mà chủ yếu là các nước thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu là làm sao bảo đảm nguồn viện trợ quân sự cho Ukraine dồi dào và không bị ngắt quãng trong bối cảnh khoản viện trợ 60 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ cam kết cho Ukraine vẫn bị nghẽn ở Quốc hội và nỗi lo ông Donald Trump có thể quay lại Nhà Trắng.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tham dự cuộc họp báo vào ngày họp ngoại trưởng NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 3-4. Ảnh: Reuters |
Sau hơn hai năm diễn ra xung đột, nội bộ nước Mỹ nhìn nhận về cuộc xung đột Nga-Ukraine bắt đầu có sự chia rẽ, nhất là cuộc tái đấu Biden-Trump chạy đua vào Nhà Trắng đang đến gần với hai quan điểm khác nhau là viện trợ và không viện trợ, cũng như giữa các thành viên NATO vẫn chưa có tiếng nói chung. Thực tế này thúc đẩy Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg muốn có cuộc cách mạng về phương thức NATO tài trợ và trang bị vũ khí cho Ukraine bằng cách lập quỹ trị giá 100 tỷ euro (108 tỷ USD) có thời hạn 5 năm. Đề xuất này được đưa ra tại cuộc họp các ngoại trưởng thành viên NATO tại Brussels (Bỉ) mới đây nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập khối, cũng là bước chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra tại Washington vào tháng 7-2024.
Mục tiêu lập quỹ viện trợ
Theo Reuters, sáng kiến lập quỹ nói trên hướng đến mục tiêu huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ quân sự mạnh mẽ hơn, ổn định và dài hạn cho Ukraine. Trước đó, ông Stoltenberg so sánh rằng nếu Mỹ đã chi 75 tỷ USD cho Ukraine, thì các đồng minh khác cung cấp cho nước này khoảng 100 tỷ USD.
Cho đến nay, NATO không trực tiếp viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine do lo ngại căng thẳng bùng phát với Nga. Thay vào đó, liên minh này thông qua hợp tác song phương để viện trợ hàng tỷ vũ khí cho Ukraine. Do đó, theo sáng kiến lập quỹ này, NATO có thể đảm đương một số nhiệm vụ của nhóm Tiếp xúc Quốc phòng Ukraine do Mỹ dẫn đầu (thành lập vào tháng 4-2022, chịu trách nhiệm chính trong điều phối các nỗ lực hậu thuẫn Ukraine về quân sự), tập hợp hơn 50 quốc gia đồng minh và đối tác của Ukraine.
Mặt khác, chủ trương lập quỹ này do NATO điều phối được xem như nước cờ chuẩn bị cho khả năng Mỹ thay đổi chính sách với Ukraine, nếu ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2024. Ông Trump từng gợi ý sẽ đánh giá lại viện trợ cho Ukraine nếu ông tái đắc cử và cảnh báo khả năng Mỹ sẽ sớm rời NATO, nếu các đồng minh trong Liên minh châu Âu không thanh toán các khoản phí một cách trung thực. Trong lúc nhiều người lên án ông Trump phá vỡ tinh thần đoàn kết của NATO thì nhiều nhà quan sát nhấn mạnh nguy cơ thực sự đối với an ninh chung của toàn khối, đặc biệt là châu Âu, nếu ông Trump trở lại nắm quyền. Tổng thống Ukraine Zelensky cũng thừa nhận nếu không có viện trợ quân sự của Mỹ và các đồng minh thì Ukraine sẽ thất thế trước sức mạnh của quân đội Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết, 50% vũ khí phương Tây viện trợ đã cam kết bị bàn giao chậm, khiến quân đội nước này gặp khó khăn.
Phản ứng trái chiều
Tuy nhiên, ý tưởng của ông Stoltenberg gây phản ứng trái chiều từ các ngoại trưởng NATO. Theo AP, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski cho biết, nước này ủng hộ những nỗ lực của Tổng Thư ký NATO đối với Ukraine. Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết, điều cần thiết là phải tạo ra các cơ cấu lâu dài, đáng tin cậy để giúp đỡ Ukraine. Tuy nhiên, cũng xuất hiện những sự lo ngại.
Washington Post dẫn lời Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib cảnh báo: “Thật nguy hiểm khi đưa ra những lời hứa mà chúng ta không thể thực hiện được”. Hungary có vẻ “bàn lùi” khi khẳng định sẽ bác bỏ bất kỳ đề xuất nào biến NATO thành liên minh tấn công vì điều này sẽ dẫn đến nguy cơ leo thang nghiêm trọng.
Theo nguồn tin ngoại giao ẩn danh do RFI trích dẫn cho biết quyết định chính thức về quỹ viện trợ này có thể được đưa ra đến thượng đỉnh NATO tại Washington vào tháng 7-2024 bởi cần phải được tất cả 32 thành viên chấp thuận.
Rõ ràng, “cú sốc Trump” đã buộc cả EU hay NATO phải đánh giá lại toàn bộ chiến lược của mình và tìm các phương án dự phòng để đối phó khi thực tế diễn ra. Le Monde (Pháp) cho rằng, điểm khác biệt là lần này ông Trump gieo rắc nghi ngờ về giá trị của liên minh trong lúc châu Âu đang cần hơn bao giờ hết. Bài học chính mà các nước châu Âu trong khối NATO nhận thấy rằng đã đến lúc họ phải sẵn sàng tự lo cho việc của mình cũng như sự trợ giúp cho Ukraine chứ không thể trông chờ vào sự trợ giúp từ bên kia bờ Đại Tây Dương như trước đây.
LÊ MINH HÙNG