Quốc tế
Hàn Quốc trước tình trạng khẩn cấp do tỷ lệ sinh thấp
Chính phủ Hàn Quốc kế hoạch thành lập một cơ quan cấp bộ riêng biệt để giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia về tỷ lệ sinh cực kỳ thấp trong bối cảnh nước này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng sâu sắc.
Theo Yonhap, trong bài phát biểu trước quốc dân nhân dịp kỷ niệm hai năm nhiệm kỳ tổng thống, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết, người đứng đầu bộ mới, tạm gọi là “Bộ lập kế hoạch ứng phó với tỷ lệ sinh thấp”, sẽ kiêm nhiệm chức Thứ trưởng phụ trách các vấn đề xã hội. Việc xây dựng các chính sách trong các lĩnh vực giáo dục, lao động và phúc lợi sẽ trở thành chương trình nghị sự quốc gia. Ông Yoon Suk Yeol đề nghị Quốc hội do phe đối lập kiểm soát tích cực hợp tác trong việc sửa đổi luật tổ chức chính phủ để cho phép thành lập bộ mới này; đồng thời cam kết sử dụng 3 năm tiếp theo của nhiệm kỳ để cải thiện kinh tế và giải quyết thực trạng tỷ lệ sinh quá thấp.
Quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới
Theo CNN, Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, biểu thị ở số con trung bình mà một phụ nữ sẽ sinh trong đời. Năm 2023, trung bình một phụ nữ ở Hàn Quốc chỉ sinh 0,72 trẻ trong đời, giảm so với mức 0,78 của năm trước đó và là mức giảm nhiều nhất trong chuỗi giảm tỷ lệ sinh hàng năm. Trong khi đó, các quốc gia cần tỷ lệ sinh là 2,1 trẻ/phụ nữ để duy trì dân số ổn định trong trường hợp không có người nhập cư. Hàn Quốc cũng là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong khi độ tuổi sinh con trung bình ở phụ nữ Hàn Quốc là 33,6 - cao nhất trong OECD. Dân số Hàn Quốc ghi nhận xu hướng giảm năm thứ 3 liên tiếp với mức giảm cũng ngày càng lớn. Thêm vào đó, số hộ gia đình 1 thành viên cũng sắp vượt qua con số 10 triệu. Với tỷ lệ sinh như hiện nay, dân số Hàn Quốc được dự báo sẽ giảm chỉ còn một nửa vào năm 2100.
Các số liệu đã chỉ ra “quả bom hẹn giờ” về nhân khẩu học mà Hàn Quốc và các quốc gia Đông Á khác đang phải đối mặt. Lý do dẫn đến những thay đổi về nhân khẩu học trong khu vực bao gồm yêu cầu trong văn hóa làm việc, tiền lương thấp hoặc không tăng, chi phí sinh hoạt tăng cao, thay đổi quan điểm đối với hôn nhân và bình đẳng giới cũng như sự “vỡ mộng” gia tăng trong thế hệ trẻ. Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Âu cũng đang phải đối mặt với tình trạng dân số già nhưng tốc độ và tác động của sự thay đổi đó được giảm nhẹ phần nào nhờ vào dân nhập cư. Tuy nhiên, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc tránh tình trạng nhập cư ồ ạt để giải quyết tình trạng suy giảm dân số trong độ tuổi lao động.
Những nỗ lực bất thành
Chính phủ Hàn Quốc lâu nay luôn chú trọng đầu tư một khoản tiền lớn để khuyến khích phụ nữ sinh thêm con. Theo Yonhap, năm 2022, Tổng thống Yoon Suk Yeol thừa nhận hơn 200 tỷ USD được chi để tăng dân số trong 16 năm qua. Tháng 1-2014, Chính phủ Hàn Quốc triển khai chính sách trợ cấp tài chính nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con khi hỗ trợ, cung cấp các khoản trợ cấp tổng cộng khoảng 22.223 USD cho mỗi trẻ em. Ngoài ra, còn có các sáng kiến như kéo dài thời gian nghỉ thai sản có lương, các chiến dịch xã hội khuyến khích nam giới đóng góp vào việc chăm sóc con cái và việc nhà. Tuy nhiên cho đến nay, tất cả đều chưa thể đảo ngược xu hướng không muốn sinh con.
Theo CNN, Nhật Bản cũng từng lập một cơ quan chuyên trách tương tự Hàn Quốc để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con nhưng không mang lại kết quả khả quan. Tháng 1-2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cảnh báo nước này đang trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội do tỷ lệ sinh giảm; đồng thời công bố kế hoạch thành lập Cơ quan Trẻ em và Gia đình tập trung giải quyết một loạt vấn đề, từ cải thiện sức khỏe và phúc lợi của trẻ em đến hỗ trợ gia đình và cha mẹ. Tuy nhiên, số ca sinh năm 2023 tại Nhật Bản giảm 5,1% so với năm trước đó, và giảm năm thứ 8 liên tiếp.
GIA NGHI