Quốc tế

Bà Paetongtarn Shinawatra và thử thách chính trị lớn lao

08:37, 24/08/2024 (GMT+7)

“Niềm đam mê của tôi là quản lý khách sạn. Nhưng sau khi có con, suy nghĩ của tôi đã thay đổi. Tôi muốn làm cho đất nước của các con tôi trở nên đáng sống hơn”, tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra từng chia sẻ với The New York Times như vậy. Động lực này đã thôi thúc bà rẽ hướng sang chính trường và ghi tên vào lịch sử khi trở thành thủ tướng trẻ nhất của đất nước Chùa Vàng khi chỉ mới 37 tuổi.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn ShinawatraẢnh: Xinhua
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: Xinhua

Việc bà Paetongtarn đắc cử thủ tướng đánh dấu sự trở lại đỉnh cao chính trị của gia tộc Shinawatra, đồng thời diễn ra trong bối cảnh chính trường Thái Lan chứng kiến nhiều chuyển động bất ngờ.

Những ưu tiên chính sách

Theo Tân Hoa Xã, bà Paetongtarn sinh ngày 21-8-1986 tại Bangkok. Tốt nghiệp ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Chulalongkorn, một trong những trường đại học hàng đầu của Thái Lan, sau đó bà Paetongtarn nhận bằng thạc sĩ về Quản lý khách sạn tại Đại học Surrey (Anh). Trước khi bước chân vào chính trường, bà từng quản lý mảng khách sạn trong tập đoàn kinh doanh của gia đình. Theo các thông tin đăng tải trên truyền thông Thái Lan, từ nhỏ bà Paetongtarn đã được tắm mình trong bầu không khí chính trị khi đi theo cha, ông Thaksin Shinawatra, tham dự các hoạt động trên khắp đất nước.

Sau một thời gian làm việc trong doanh nghiệp gia đình, bà Paetongtarn bước vào chính trường và đảm nhận các vị trí trong đảng Pheu Thai, tiếp tục sát cánh bên cha. Sự nghiệp chính trị của bà bắt đầu từ năm 2021 khi bà trở thành lãnh đạo Ủy ban Tư vấn đổi mới và hòa nhập của đảng Pheu Thai. Bà từng là ứng viên thủ tướng hàng đầu của đảng Pheu Thai trong cuộc tổng tuyển cử năm 2023. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử đó, Pheu Thai kết hợp với các đảng bảo thủ của chính phủ trước đó để tạo thành liên minh cầm quyền và đề cử ông Srettha Thavisin, tỷ phú địa ốc, làm thủ tướng.

Ngoài vai trò chính trị, Paetongtarn còn là một nữ doanh nhân nổi tiếng, nắm giữ 28,5% cổ phần trong công ty bất động sản niêm yết SC Asset Corp. Pcl, được định giá khoảng 5,2 tỷ baht (152 triệu đô la Mỹ), theo Bloomberg. Trước khi nhậm chức thủ tướng, bà phải từ chức khỏi các vị trí kinh doanh của mình và tuân thủ các quy định về sở hữu cổ phần theo luật pháp Thái Lan.

Trên cương vị tân thủ tướng, theo Diplomat, bà Paetongtarn xác định ưu tiên chính trong chương trình nghị sự của mình, thể hiện tầm nhìn của bà về phát triển đất nước trong những năm tiếp theo. Về kinh tế, bà cam kết thực hiện chính sách kinh tế nhằm giảm đói nghèo, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng. Chương trình của bà bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng để hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe với việc tiếp tục sáng kiến y tế 30 baht (bệnh nhân chỉ trả 30 baht mỗi lần tới bệnh viện) để bảo đảm dịch vụ y tế giá rẻ cho mọi người dân... Về đối ngoại, bà Paetongtarn đặt mục tiêu củng cố quan hệ của Thái Lan với các nước láng giềng và tăng cường vai trò của đất nước trong các tổ chức khu vực như ASEAN. Bà mong muốn thúc đẩy một nền ngoại giao cân bằng, tôn trọng chủ quyền của Thái Lan trong khi tăng cường hợp tác quốc tế.

Thách thức và kỳ vọng

Việc bà Paetongtarn nhanh chóng được bầu làm thủ tướng có thể giúp Thái Lan tránh thêm những bất ổn chính trị và tác động kinh tế liên quan. Mặc dù có chương trình nghị sự tham vọng nhưng chính phủ của tân Thủ tướng Paetongtarn cũng sẽ phải đối mặt với thách thức thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế đất nước đang chững lại. Trước mắt, bà Paetongtarn sẽ phải giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của chính phủ tiền nhiệm. Trước đó, chính quyền của cựu Thủ tướng Srettha có quan hệ không suôn sẻ với ngân hàng trung ương về chính sách tiền tệ và nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn của ông vẫn chưa được triển khai. Chương trình “Ví số 10.000 baht” (khoảng 280 USD) - sáng kiến tặng tiền số cho công dân Thái Lan trên 16 tuổi - cho 50 triệu công dân Thái đủ điều kiện, một trong những cam kết nổi bật của đảng Pheu Thai, đã từng gây tranh cãi và đến nay có thể bị hủy bỏ, theo truyền thông địa phương. Tháng 7-2024, Ngân hàng Thế giới cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Thái Lan xuống mức 2,4%, giảm so với mức 2,8% trước đó.

Không ngạc nhiên khi có những luồng ý kiến bày tỏ lo ngại bà có thể sẽ hành động như một người đại diện cho cha mình, cựu Thủ tướng Thaksin. Những người này theo quan điểm này lo ngại di sản gây tranh cãi của gia tộc Sinawatra có thể cản trở khả năng quản trị hiệu quả và độc lập của bà Paetongtarn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chính trị hiện nay ở Thái Lan, chính quyền của bà Paetongtarn sẽ cần phải điều hướng những phản ứng tiềm tàng từ các phe phái hoàng gia và các nhóm đối lập khác. Giới phân tích gợi ý rằng thành công của nữ thủ tướng trẻ tuổi Thái Lan sẽ phụ thuộc vào khả năng xây dựng một nhóm có năng lực xung quanh bà, giúp bà giải quyết các thách thức đa dạng đang đối mặt một cách thận trọng và có tầm nhìn chiến lược.

Dù đối mặt với nhiều thách thức, với tư cách là thủ tướng trẻ nhất và là người phụ nữ thứ hai nắm quyền tại Thái Lan, bà Paetongtarn vẫn đang được kỳ vọng sẽ giúp kiến tạo một tương lai tươi sáng cho đất nước Chùa Vàng.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.