Quốc tế
EU và cuộc chiến pháp lý với các "gã khổng lồ" công nghệ
Trong khi không ngừng phát triển công nghệ thông tin để đạt đến những đỉnh cao mới, Liên minh châu Âu (EU) cũng đi đầu trong việc gia tăng công cụ pháp lý đối với các công ty công nghệ để tránh rủi ro, thiệt hại, thậm chí giảm mối nguy cho an ninh quốc gia, kinh tế và trật tự xã hội…
Các công ty công nghệ lâu nay thường bị chỉ trích vì không giám sát nền tảng của mình. Điển hình là vụ tấn công khủng bố ở New Zealand, được truyền trực tiếp trên Facebook năm 2019, gây rúng động toàn cầu và các vụ bạo loạn tại Mỹ năm 2018 cũng kích động trên mạng internet. Mặt trái của internet cũng gồm tình trạng các nền tảng thương mại điện tử bán nhiều hàng nhái…
Vì thế, EU thúc đẩy nhanh chóng ban hành Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) nhằm hướng đến nền kinh tế kỹ thuật số công bằng hơn. Trong khi đó, Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) mang tính bước ngoặt để quản lý hoạt động trực tuyến của những công ty công nghệ nhằm tạo một môi trường internet an toàn, minh bạch ở EU. Trên Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định: “Thỏa thuận về DSA hôm nay là sự kiện lịch sử. Quy định mới của chúng ta sẽ bảo vệ người dùng trên mạng, bảo đảm các cơ hội kinh doanh. Những gì là bất hợp pháp trong đời thực cũng sẽ là bất hợp pháp trên không gian mạng tại EU”.
Hai đạo luật còn được gọi là “người gác cổng”. Nếu các công ty vi phạm các quy tắc mới có thể bị phạt tới 10% doanh thu trên toàn thế giới và lên tới 20% trong trường hợp tái phạm. Đây là sự thay đổi vô cùng quan trọng trong cuộc chiến của EU trước sự thống trị của các ông lớn công nghệ hàng đầu thế giới và diễn ra sau nhiều năm ròng rã theo đuổi các cuộc chiến pháp lý.
Phản ứng trước hai đạo luật này, đại diện Apple cho biết: “Chúng tôi vẫn rất lo ngại về những rủi ro về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu mà DMA gây ra cho người dùng. Trọng tâm của chúng tôi sẽ là giảm thiểu các tác động này”. Tuy nhiên, EU vẫn không lùi bước mà quyết tâm thực hiện DMA và DSA mạnh mẽ hơn. Năm 2023, năm đầu tiên DMA có hiệu lực, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan chống độc quyền của EU, nêu tên 22 dịch vụ “nền tảng” của các tập đoàn công nghệ lớn, trong đó có App Store, Safari của Apple; Facebook, Instagram và WhatsApp của Meta; YouTube, Chrome của Google.
Đáng chú ý, EU đã giành chiến thắng pháp lý đầu tiên sau khi buộc TikTok xóa vĩnh viễn tính năng gây “nghiện” trong ứng dụng phụ vào tháng 8-2024. Đầu mùa hè này, giới chức EU cũng liên tiếp ban hành quyết định nhắm vào Apple, Meta và Microsoft. Trong đó, Meta Platforms sắp phải đối mặt với khoản phạt đầu tiên từ EU vì buộc người dùng sử dụng dịch vụ quảng cáo Marketplace cùng với Facebook. Meta có thể phải đối mặt với khoản phạt lên tới 13,4 tỷ USD, tương đương 10% doanh thu toàn cầu trong năm 2023, mặc dù các lệnh trừng phạt của EU thường thấp hơn nhiều so với mức trần này.
Từ nay đến cuối năm 2024, EU sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ. Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU Margrethe Vestager cho biết, EU đang tăng tốc tối đa trong nỗ lực thực thi chính sách và quy định liên quan. Mục tiêu của EU là rút ngắn thời gian điều tra về luật cạnh tranh, vốn kéo dài nhiều năm xuống tối đa 12 tháng.
Các hành động pháp lý của EU chủ yếu dựa trên đạo luật. Hiện, EU cũng xem xét các thỏa thuận giữa những “gã khổng lồ” công nghệ và các nhà phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó có thương vụ hợp tác trị giá 13 tỷ USD giữa Microsoft và OpenAI - “cha đẻ” của ChatGPT có vi phạm hay không. EU gần đây đã yêu cầu Meta làm rõ các biện pháp cụ thể về quản lý thông tin sau khi công ty này “khai tử” CrowdTangle, công cụ được các nhà nghiên cứu, tổ chức giám sát và nhà báo sử dụng rộng rãi để theo dõi các bài đăng trên mạng xã hội, đặc biệt là để theo dõi các thông tin sai lệch lan truyền trên các nền tảng. Quyết định này của Meta đang gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới sắp bước vào các cuộc bầu cử quan trọng, trong đó có Mỹ.
LÊ MINH HÙNG