Quốc tế
Thất nghiệp cao chưa từng có trong giới trẻ châu Á
Tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai chữ số đang kìm hãm hàng chục triệu người trẻ, đặt ra thách thức cấp bách cho một loạt quốc gia đang phát triển nhanh ở châu Á.
Những người trẻ tuổi tham gia một hội chợ việc làm ở Trung Quốc. Ảnh: VCG/Getty Images |
Theo The Wall Street Journal (WSJ), đằng sau các nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất châu Á ẩn chứa một mặt tối: tỷ lệ thất nghiệp chưa từng thấy từ lực lượng lao động trẻ tuổi nhất. Bangladesh từ lâu được coi là hình mẫu phát triển trong việc xóa đói giảm nghèo, đạt mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 6,5%/năm trong thập niên qua. Tuy nhiên, theo Tổ chức Lao động quốc tế của Liên Hợp Quốc (ILO), trong vài năm qua, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở nước này tăng lên 16% - mức cao nhất trong 3 thập niên. Các nền kinh tế lớn khác trong khu vực cũng đang đối mặt với thách thức tương tự. Trung Quốc và Ấn Độ, hai gã khổng lồ châu Á, cùng ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp thanh niên 16%. Indonesia và Malaysia cũng rơi vào tình cảnh này với tỷ lệ lần lượt là 14% và 12,5%.
Theo số liệu của ILO, ở các quốc gia đông dân này, tổng cộng 30 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 24 không thể tìm được công việc phù hợp, chiếm gần một nửa tổng số 65 triệu thanh niên thất nghiệp ở độ tuổi đó toàn cầu. Rất nhiều người ở các nước nói trên đều gặp khó khi tìm việc làm ổn định suốt những năm 20 tuổi. Năm 2023, 71% người lao động ở độ tuổi 25-29 tại khu vực Nam Á làm những công việc không ổn định - như kinh doanh tự do hoặc làm việc bán thời gian. Con số này chỉ giảm nhẹ so với mức 77% được ghi nhận cách đây 2 thập niên.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc tạo ra câu chuyện thành công kinh tế đột phá nhờ vào quá trình chuyển đổi sản xuất. Trong khi đó, đối với các nước đang phát triển ở châu Á hiện nay, con đường chuyển đổi đó không hề dễ dàng. Theo WSJ, với những nước không có nền tảng sản xuất đủ mạnh, thực trạng trên đặt ra nhiều vấn đề cấp bách về cách vươn tầm trên nấc thang phát triển, và cái giá phải trả nếu không đạt được mục tiêu này. Chẳng hạn, Bangladesh từng thoát khỏi đói nghèo bằng cách trở thành công xưởng may mặc của thế giới. Hàng triệu người dân nước này đã rời bỏ nông trại để đến các xưởng may của các thương hiệu lớn của phương Tây.
Tuy nhiên, Bangladesh bế tắc trong việc thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao. Nước này đã không thể nâng cấp lên các ngành sản xuất phức tạp hơn, có giá trị cao hơn, chẳng hạn như điện tử, máy móc hạng nặng hoặc bán dẫn. Đây là những lĩnh vực cần những lao động có tay nghề cao hơn và được trả lương cao hơn. Công nghệ tự động hóa đang thay đổi bức tranh của ngành sản xuất. Ngành may mặc - động lực tăng trưởng chính của Bangladesh, dần chuyển sang dùng máy móc sản xuất thay vì lao động chân tay. Kết quả, xuất khẩu hàng may mặc ở Bangladesh dù tăng gấp đôi trong thập niên qua, song tăng trưởng việc làm của ngành này diễn ra với tốc độ rất chậm. Indonesia cũng vậy. Tăng trưởng kinh tế vững chắc 5% của nước này phần lớn đến từ sự mở rộng chưa từng có trong lĩnh vực khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, những ngành sử dụng nhiều máy móc hạng nặng và không cần nhiều nhân lực.
Tình trạng thất nghiệp gia tăng còn đến từ sự mất cân bằng trong lựa chọn ngành nghề. Ngày càng nhiều sinh viên ở các nước đang phát triển của châu Á chỉ thích công việc văn phòng trong các lĩnh vực như thiết kế, tiếp thị, công nghệ và tài chính sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, đây là những ngành nghề không được tuyển dụng nhiều tại các quốc gia của họ. Ấn Độ nổi tiếng với ngành công nghệ thông tin phát triển, song cơ hội chen chân vào lực lượng lao động trong lĩnh vực này vô cùng hạn hẹp do nhiều vị trí được trí tuệ nhân tạo (AI) đảm nhiệm. Hơn 40% sinh viên tốt nghiệp đại học dưới 25 tuổi ở Ấn Độ đang rơi vào cảnh thất nghiệp, so với 11% ở những người cùng nhóm tuổi biết chữ nhưng chưa hoàn thành chương trình tiểu học. Dù kinh tế Ấn Độ tăng trưởng ở mức ấn tượng 8%, đảng của Thủ tướng Narendra Modi vẫn mất đa số ghế trong Quốc hội, mà các nhà phân tích cho rằng cơ hội việc làm kém là yếu tố chính.
NGHI VĂN