Quốc tế
Nhóm Bộ Tứ thúc đẩy hợp tác an ninh hàng hải
Các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ Tứ kim cương” (nhóm QUAD - gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ), nhất trí mở rộng hợp tác về an ninh hàng hải, nâng cao khả năng tương tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước thành viên.
Theo CNN, hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ ở Delaware (Mỹ) diễn ra ngày 21-9 với chương trình nghị sự tập trung vào nội dung tăng cường hội tụ chiến lược giữa các nước thành viên, thúc đẩy tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bao trùm và kiên cường, cũng như mang lại lợi ích cụ thể cho các đối tác trong khu vực.
Sau cuộc họp, các nhà lãnh đạo cùng thông qua “Tuyên bố Wilmington”, trong đó đề cập đến các sáng kiến mới trong các lĩnh vực từ an ninh và cơ sở hạ tầng hàng hải đến ứng phó thảm họa thiên nhiên và các công nghệ mới nổi. Nổi bật trong số này là kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận chung của lực lượng bảo vệ bờ biển, bắt đầu từ năm 2025, cũng như mở rộng chương trình đào tạo cho các quốc gia khác trong khu vực nhằm nâng cao năng lực giám sát, thực thi luật pháp trên biển và ngăn chặn hành vi bất hợp pháp.
Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, cuộc tập trận đầu tiên của các lực lượng bảo vệ bờ biển của nhóm này sẽ do Mỹ chỉ huy với sự tham gia của lực lượng bảo vệ bờ biển các nước Nhật Bản, Úc và Ấn Độ với tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ. Các cuộc tuần tra sẽ diễn ra liên tục theo cơ chế luân phiên. Giới chuyên gia nhận định, qua việc hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển, các quốc gia Bộ Tứ không chỉ tăng cường an ninh cho khu vực mà còn khẳng định cam kết chung đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cho phép chia sẻ không gian vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không và đường biển nhằm mục đích hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Những lĩnh vực hợp tác khác bao gồm dự án xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông mới, mang tên Mạng truy cập vô tuyến mở (Open RAN) tại các quốc đảo Thái Bình Dương và các nước thuộc Đông Nam Á; thỏa thuận hợp tác trị giá 150 triệu USD giúp giảm tỷ lệ ung thư cổ tử cung ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; sáng kiến “Học bổng Bộ Tứ” - vốn được coi là một trong những “quyền lực mềm” của nhóm.
Tuyên bố chung cũng hoan nghênh các sáng kiến của khu vực tư nhân bao gồm Quad Investors Network (QUIN), tạo điều kiện cho các khoản đầu tư vào các công nghệ chiến lược, bao gồm năng lượng sạch, chất bán dẫn, khoáng sản quan trọng và lượng tử. QUIN đang huy động một số khoản đầu tư để thúc đẩy khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển chung, thương mại hóa các công nghệ mới và đầu tư vào lực lượng lao động tương lai của các nước thành viên.
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ đối tác của 4 quốc gia thành viên hiện tại sẽ bước vào kỷ nguyên mới khi một nửa số nhà lãnh đạo của nhóm - Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio - đều sẽ rời nhiệm sở trong thời gian tới. CNN nhận định, đối với ông Biden, việc mời các nhà lãnh đạo của Úc, Ấn Độ và Nhật Bản đến Mỹ để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Quad tại quê nhà Wilmington, Delaware, cho thấy mong muốn đặt dấu ấn cuối cùng vào liên minh mà ông hy vọng sẽ tồn tại lâu dài sau nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Với mục tiêu đánh bóng di sản chính sách đối ngoại của mình, ông Biden đang chuyển sang các liên minh như QUAD để thực hiện động thái ngoại giao cuối cùng khi chuẩn bị chuyển giao cho một chính quyền mới, đặc biệt trong bối cảnh đang để mắt đến sự gia tăng sự hiện diện của Trung Quốc.
Theo Amazon Web Services, bà Kathryn Paik - thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), lưu ý rằng Bộ Tứ là một trong những nhóm khá hiếm hoi nhận được sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng tại Mỹ. Vì vậy, xét từ quan điểm của Washington, mục đích chính của hội nghị lần này là để thể chế hóa mô hình hợp tác này hơn nữa, đồng thời trấn an các đối tác khác về quyết tâm của Mỹ trong việc duy trì nhóm. Hội nghị này rõ ràng là cơ hội để Mỹ tái khẳng định ưu tiên chiến lược dành cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bất chấp vấn đề toàn cầu khác đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình hiện thực hóa các tham vọng của Washington dành cho khu vực năng động và chiến lược này.
TẤN PHÁT