Quốc tế
UAE và tầm nhìn thương mại phi dầu mỏ
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang tích cực tìm kiếm hiệp định hợp tác và đầu tư với các quốc gia toàn cầu trong nỗ lực thúc đẩy kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế và tăng đáng kể tổng kim ngạch ngoại thương phi dầu mỏ.
Nền kinh tế UAE luôn trong top 4 ở Trung Đông và hiện đứng thứ 7 thế giới về trữ lượng dầu mỏ với khoảng 97.800 triệu thùng dầu. Quốc gia vùng Vịnh giàu có nhờ khai thác, xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP. UAE cũng giữ vị trí chiến lược, kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi bằng nhiều khu vực mậu dịch tự do để triển khai chiến lược nền kinh tế phi dầu mỏ. Hiện, UAE được đánh giá là một trong những quốc gia tiên tiến nhất thế giới trong việc tạo môi trường pháp lý bảo vệ nhà đầu tư và hỗ trợ hoạt động thương mại. UAE được mệnh danh là một trong những nền kinh tế “mở” nhất thế giới, có nhiều lực hút, luôn rộng cửa chào đón các nhà đầu tư khắp thế giới.
Hàng nghìn doanh nghiệp Trung Quốc xem Dubai như một trung tâm buôn bán với châu Phi, còn thương nhân Ấn Độ coi nơi đây đóng vai trò đòn bẩy đi ra thị trường quốc tế. UAE còn là “bệ phóng” vào khu vực Nam Á dành cho các quốc gia Mỹ La-tinh. Do đó, với việc thành lập doanh nghiệp tại UAE, các nhà đầu tư nghiễm nhiên sở hữu nền móng vững chắc để tiến ra thị trường năng động liên châu lục, đa văn hóa.
Nền kinh tế phi dầu mỏ của UAE gần đây ghi nhận sự tăng trưởng hằng năm ở mức gần 6%, tương đương Ấn Độ. Con số mà phương Tây và thậm chí cả Trung Quốc đều mơ ước. Người giỏi và tiền bạc đang đổ về UAE, khi thương nhân Trung Quốc, các ông trùm Ấn Độ, tỷ phú Nga và chủ ngân hàng phương Tây muốn tìm kiếm nơi đa dạng nhưng ổn định để kinh doanh như UAE.
Không thụ động chờ đón các nhà đầu tư mà UAE luôn luôn tích cực tìm kiếm các hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các quốc gia, nhằm tiếp tục thúc đẩy kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế lên tầm cao mới và hướng tới mục tiêu đạt tổng kim ngạch ngoại thương phi dầu mỏ lên tới 4.000 tỷ Dirham (tương đương 1.100 tỷ USD) vào năm 2031. Theo TTXVN, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2024, trao đổi thương mại phi dầu mỏ của UAE tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận mức kỷ lục 1.400 tỷ dirham (385 tỷ USD), nhờ xuất khẩu phi dầu mỏ tăng trưởng mạnh mẽ.
Với mục tiêu ký kết 26 Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA), đến nay, UAE đã đàm phán và ký các hiệp định này với Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Indonesia, Campuchia và Gruzia. UAE cũng đang tiếp tục các cuộc đàm phán về hiệp định tương tự với Serbia, New Zealand và Ecuador cũng như các thành viên trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm Philippines và Malaysia… Đáng chú ý, một số nền kinh tế lớn toàn cầu cũng đang theo đuổi các thỏa thuận thương mại với Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) bao gồm Saudi Arabia, UAE, Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman. Trong đó, hiệp định thương mại tự do (FTA) tiềm năng có thể đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và GCC, nơi nắm giữ một phần ba trữ lượng dầu thô của thế giới.
Tương tự, Vương quốc Anh cũng đang đàm phán với GCC về FTA, trong khi FTA giữa các nền kinh tế vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến tạo ra các cơ hội thương mại trị giá lên đến 2.400 tỷ USD. Theo tính toán, các CEPA của UAE với các đối tác sẽ giúp xuất khẩu của nước này tăng 33% và đóng góp hơn 153 tỷ dirham (hơn 42 tỷ USD) vào GDP vào năm 2031.
Triển khai đồng bộ tầm nhìn rõ ràng về tương lai khi xem nguồn dầu mỏ không phải là vô hạn, UAE hướng đến nền kinh tế phi dầu mỏ, được hỗ trợ bởi một loạt chiến lược và kế hoạch kinh tế toàn diện và tích hợp. Ngoài ra, UAE đang đi đầu trong việc áp dụng cách tiếp cận hướng tới tương lai dựa trên đa dạng hóa kinh tế, môi trường kinh doanh và hệ thống kinh tế linh hoạt.
LÊ MINH HÙNG