Quốc tế

Các vụ việc gây tranh cãi của ứng dụng mua sắm Temu

17:54, 27/10/2024 (GMT+7)

Temu đang trở thành một thế lực mới trong ngành mua sắm trực tuyến, với 47 triệu lượt tải ứng dụng này trên toàn thế giới chỉ tính trong tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, kể từ khi thành lập đến nay, Temu đã phải đối mặt với một số bê bối.

Ứng dụng Temu. Ảnh: Shutterstock
Ứng dụng Temu. Ảnh: Shutterstock

Temu là gì?

Temu là một trang mua sắm trực tuyến cung cấp hàng hóa đa dạng phong phú cho khách hàng. Bạn có thể mua phụ kiện ô tô, quần áo, đồ điện tử, mỹ phẩm, đồ trẻ em... Điểm nổi bật của Temu là nhiều sản phẩm có giá cực kỳ rẻ. Bạn có thể mua vòng cổ với giá 1 USD (25.000 đồng) và bàn phím không dây với giá 10 USD (250.000 đồng).

Một số người so sánh Temu với Shein, Wish và AliExpress, nhưng Temu hơi khác một chút. Shein chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thời trang và quần áo, còn Temu là nơi có tất cả mọi thứ. Wish và AliExpress thường có các mặt hàng chất lượng thấp hơn, thời gian giao hàng lâu hơn và thời gian trả lại hàng ngắn.

Công ty mẹ của Temu là PDD Holdings, một tập đoàn thương mại đa quốc gia có trụ sở chính tại Dublin, Ireland. PDD Holdings sở hữu Temu và Pinduoduo (Trung Quốc). Không dễ để xác định nguồn gốc chính xác của Temu. Trong hồ sơ tháng 2-2023, Pinduoduo đã đổi tên thành PDD Holdings. Công ty cũng đã chuyển văn phòng điều hành chính từ Thượng Hải (Trung Quốc), đến Dublin (Ireland).

Temu ra mắt vào cuối năm 2022 và nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong danh mục mua sắm của App Store và Play Store. Người tiêu dùng biết đến Temu từ quảng cáo và bị thu hút bởi mức giá thấp của trang web. Theo Temu, các mặt hàng trên trang web này rất rẻ vì chuỗi cung ứng chạy trực tiếp từ người bán đến tay người tiêu dùng.

Theo chính sách bảo mật của Temu, công ty không "bán" dữ liệu của khách hàng để lấy tiền. Tuy nhiên, Temu chia sẻ thông tin của khách hàng với các chi nhánh vận chuyển, nhà cung cấp dịch vụ tiếp thị và các công ty nghiên cứu người tiêu dùng, tạo ra doanh thu cho Temu.

Các vụ việc gây tranh cãi

Chính phủ Mỹ cáo buộc Temu có nguy cơ tiềm ẩn về dữ liệu sau khi Google đình chỉ trang web của Pinduoduo, vì chứa phần mềm độc hại. Kênh CNBC (Mỹ) dẫn lời các nhà phân tích đánh giá Temu ít nguy hiểm hơn bởi rủi ro liên quan đến Pinduoduo nhắm vào người dùng Trung Quốc.

Một báo cáo của Ủy ban Chọn lọc Hạ viện Mỹ cáo buộc rằng Temu khai thác lỗ hổng thương mại của Mỹ được gọi là "de minimis", cho phép vận chuyển các gói hàng có giá trị dưới 800 USD mà không phải trả thuế.

Việc miễn trừ này là một phần của luật thương mại Mỹ kể từ năm 1930 để hỗ trợ du khách cá nhân, nhưng ngưỡng này đã được nâng từ 200 USD lên 800 USD vào năm 2015 để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, bao gồm cả người bán trên các nền tảng thương mại điện tử như eBay.

Số lượng các kiện hàng "de minimis" vào Mỹ đã tăng đáng kể và nhiều trong số đó xuất phát từ Temu và Shein. Gần một phần ba (30%) trong số tất cả các gói hàng nhỏ vào Mỹ được đặt hàng từ hai trang web này.

Một vấn đề gây chú ý khác của Temu xảy ra ở Hàn Quốc. Cơ quan chức năng Seoul (Hàn Quốc) thường tiến hành kiểm tra hàng tuần các mặt hàng được bán trên các nền tảng trực tuyến. Trong cuộc kiểm tra vào tháng 8, nhiều sản phẩm từ Shein, AliExpress và Temu đều không đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý. Đáng chú ý, sản phẩm dép của Temu có chứa hàm lượng chì ở đế giày cao gấp 11 lần mức cho phép.

Về vấn đề này, phát ngôn viên của Temu khẳng định với hãng thông tấn AFP (Pháp): "Khi nhận được thông báo từ chính quyền thành phố Seoul, chúng tôi đã ngay lập tức tiến hành điều tra nội bộ. Chúng tôi đã nhanh chóng loại bỏ sản phẩm này khỏi thị trường toàn cầu và đang tăng cường hệ thống cùng hướng dẫn cho các thương gia để đảm bảo họ tuân thủ tiêu chuẩn an toàn và quy định của địa phương".

Trong tháng 10 này, Indonesia đã yêu cầu Alphabet, Google và Apple chặn Temu trong các cửa hàng ứng dụng điện thoại tại quốc gia Đông Nam Á này. Động thái này nhằm mục đích bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia khỏi các sản phẩm giá rẻ do Temu cung cấp.

Theo baotintuc.vn

.