Quốc tế
Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nga đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới dựa trên sức mua tương đương (PPP), cho thấy bước nhảy vọt về nâng tầm vị thế kinh tế Nga trên trường quốc tế, bất chấp lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.
Theo RT, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố gần đây, IMF cho biết GDP của Nga vào năm 2024 lên tới 3,55% GDP toàn cầu tính theo PPP. Đây là giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một năm. Tỷ lệ này của Nhật Bản chỉ là 3,38%. Theo báo cáo, Nga đứng thứ 4 về PPP sau Trung Quốc (18,8%), Mỹ (15%) và Ấn Độ (7,9%). Cũng theo dự báo mới nhất của IMF, đến năm 2029, kinh tế Nga sẽ vẫn duy trì vị trí thứ 4 với khoảng cách 0,2% so với Nhật Bản (3,23% so với 3%) và không có nguy cơ mất thứ hạng này.
Các số liệu mới nhất trong báo cáo của IMF cho thấy, hiện có 3 quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) là Trung Quốc, Ấn Độ và Nga nằm trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới tính theo PPP. Theo RT, đầu tháng 10-2024, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, tỷ trọng của các nước BRICS trong GDP toàn cầu tính theo PPP tăng trưởng đều đặn và đạt con số hiện tại là 36,7%.
Dữ liệu của IMF cũng cho thấy, tỷ trọng GDP toàn cầu của các nước thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7 - Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Ý, Nhật Bản) tính theo PPP giảm từ 50,42% vào năm 1982 xuống còn 29% vào năm 2024. IMF cũng nâng dự báo tăng trưởng của Nga lên 3,6% trong năm 2024, so với dự báo trước đó là 3,2%. Tuy nhiên, IMF hạ dự báo tăng trưởng của Nga năm 2025 từ mức 1,5% xuống 1,3% với lý do tiêu dùng tư nhân và đầu tư chậm lại trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt và tăng trưởng tiền lương chậm hơn.
Thực ra, việc Nga đạt mục tiêu gia nhập 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới từng được Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg vào tháng 6-2024. Theo TASS, ông Putin nhấn mạnh, điều quan trọng đối với Nga là bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong dài hạn. Theo đó, nước này sẽ tiếp tục tăng cường chủ quyền tài chính, công nghệ và nhân sự, tăng năng lực sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của Nga, cả ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Theo TASS, tại cuộc họp báo ngày
23-10, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Dmitry Vakhrukov cho biết, nền kinh tế Nga tăng trưởng với tốc độ cao hơn nhiều so với nền kinh tế của một số nước đang phát triển trong những năm gần đây bất chấp mọi thách thức. Theo ông Vakhrukov, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để duy trì đà tăng trưởng này để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thập kỷ tới. Chính phủ Nga đang giải quyết các nhu cầu chính cho sự phát triển khu vực và kinh doanh trong nước.
Có thể thấy các dự báo trên của IMF đi ngược hoàn toàn với mục tiêu của phương Tây là giáng đòn lên kinh tế Nga. RT dẫn lời ông Nikita Anisimov, Hiệu trưởng Đại học HSE tại Moscow, cho biết, các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga trong bối cảnh xung đột ở Ukraine vô hình trung càng khiến nền kinh tế của Nga mạnh hơn. Phát biểu tại phiên điều trần của Quốc hội về dự thảo ngân sách liên bang 2025-2027 vào ngày 7-10, ông Anisimov nói rằng các lệnh trừng phạt Nga đã thúc đẩy hiệu quả việc tái cấu trúc nền kinh tế của đất nước. Điều này khiến Nga về cơ bản chấm dứt sự phụ thuộc vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô như dầu và khí đốt, một nhiệm vụ mà chính phủ nước này đã chú trọng trong nhiều năm, qua đó giúp nền kinh tế mạnh mẽ và kiên cường hơn. Nga đã nỗ lực tăng cường sự đóng góp của các ngành phi năng lượng vào GDP. Để ứng phó với các lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây, Nga đã thúc đẩy mạnh mẽ mở rộng hợp tác kinh tế-thương mại với các nước thông qua những khuôn khổ, cơ chế hợp tác đa phương.
Rõ ràng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế Nga càng nhấn mạnh khả năng phục hồi và tầm nhìn chiến lược của nước này. Khi động lực địa chính trị tiếp tục phát triển, quỹ đạo kinh tế của Nga vẫn là trọng tâm của sự quan tâm toàn cầu, với những tác động sâu rộng đến các vấn đề khu vực và quốc tế.
NGHI VĂN