Quốc tế
Iran không kích Israel: Bước leo thang nguy hiểm ở Trung Đông
Ngày 1-10, Iran phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo vào Israel, đánh dấu bước leo thang nguy hiểm trong xung đột giữa hai nước cũng như ở “chảo lửa” Trung Đông.
Hệ thống Vòm sắt của Israel đánh chặn tên lửa sau khi Iran bắn loạt tên lửa đạn đạo. (Hình ảnh nhìn từ Ashkelon, Israel, ngày 1-10). Ảnh: Reuters |
Cuộc tấn công của Iran được cho là nhằm trả đũa việc Israel ám sát các thủ lĩnh của Hezbollah và Hamas gần đây. Phản ứng của Israel, cộng đồng quốc tế và tác động đến thị trường dầu mỏ đang là tâm điểm chú ý của dư luận toàn cầu sau vụ việc.
“Sai lầm” hay “hợp pháp”?
Theo The Washington Post, lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa của họ, cùng sự hỗ trợ từ Mỹ, đã đánh chặn phần lớn số tên lửa được phóng từ Iran. Tuy nhiên, một số tên lửa vẫn rơi xuống Tel Aviv và căn cứ không quân Nevatim ở sa mạc Negev. May mắn là không có thương vong được ghi nhận trong lãnh thổ Israel, chỉ có một người Palestine thiệt mạng ở Bờ Tây do mảnh vỡ tên lửa.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố “Iran đã phạm sai lầm lớn và sẽ phải trả giá”, The Washington Post dẫn lại. Ông Netanyahu nhấn mạnh, Israel sẽ đáp trả mạnh mẽ, dù chưa nêu cụ thể hình thức và thời điểm. Nội các an ninh Israel đã họp khẩn trong hầm trú ẩn để bàn về phương án đối phó. Trong khi đó, The Guardian đưa tin, phía Iran khẳng định đây là hành động “hợp pháp, hợp lý và chính đáng” để đáp trả các vụ ám sát của Israel. Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cảnh báo: “Đừng bước vào xung đột với Iran”, đồng thời tuyên bố Iran sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ hơn nếu Israel chọn cách tiếp tục tung đòn trả đũa.
Cộng đồng quốc tế bày tỏ quan ngại về diễn biến leo thang căng thẳng mới nhất này. Theo The Guardian, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi các bên kiềm chế, nhấn mạnh cần lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Mỹ khẳng định sẽ bảo vệ Israel, trong khi Đức yêu cầu Iran chấm dứt ngay cuộc tấn công.
Theo Reuters, giá dầu thô đã tăng vọt sau cuộc tấn công ngày 1-10 của Iran. Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,13% lên 74,39 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 1,26% lên 70,71 USD/thùng. Tổ chức ANZ Research - bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng ANZ cho rằng: “Cuộc không kích bằng tên lửa của Iran, một thành viên OPEC, làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu mỏ”. ANZ Research cũng lưu ý sản lượng dầu của Iran đạt mức cao nhất trong 6 năm là 3,7 triệu thùng/ngày vào tháng 8-2024.
Israel cân nhắc phản ứng
The New York Times trích dẫn nhận định của các chuyên gia an ninh và cựu quan chức Mỹ cho rằng, Israel hiện có nhiều lựa chọn hơn để đáp trả so với hồi tháng 4-2023, khi họ chỉ thực hiện cuộc tấn công mang tính biểu tượng vào cơ sở phòng không của Iran. Bởi cho tới lúc này Israel đã làm suy yếu đáng kể sức mạnh của Hezbollah thông qua chiến dịch không kích gần đây. Ông Danny Citrinowicz, cựu sĩ quan tình báo Israel, cho biết: “Đây là sự leo thang mà khó có thể đoán trước kết cục. Hành động của Israel gần như chắc chắn sẽ kích hoạt phản ứng khác từ Iran. Có vẻ như Israel đang ở đầu giai đoạn đối đầu quyết liệt với Iran”.
Trong khi đó, theo ông Yaakov Amidror, thiếu tướng về hưu từng là cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Netanyahu cho rằng, sau vụ Iran bắn số lượng lớn tên lửa, thách thức với Israel không phải là việc có nên tấn công trả đũa Iran hay không, mà là phản ứng với cường độ mạnh đến mức nào. Chuyên gia này thậm chí còn nhận định với The New York Times rằng việc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran “nên được xem xét”. Chung quan điểm này, cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett cũng kêu gọi Tel Aviv hãy tận dụng “cơ hội lớn nhất trong 50 năm qua” để thay đổi cục diện khu vực bằng cách phá hủy chương trình hạt nhân và các cơ sở năng lượng chính của Iran.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo nguy cơ xung đột có thể leo thang thành cuộc chiến ở khu vực. Bà Suzanne Maloney từ Viện Brookings nói với PBS rằng khả năng giảm căng thẳng phụ thuộc vào việc Iran có quyết định không trả đũa nếu bị Israel tấn công tiếp hay không. Ông David Makovsky từ Viện Washington về Chính sách Cận Đông cũng nhận định với PBS rằng Mỹ có thể sẽ tìm cách thuyết phục Israel hạn chế đáp trả sau khi thực hiện cuộc tấn công trả đũa.
Tối 1-10, trên kênh Telegram cá nhân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết: “Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thất bại hoàn toàn ở Trung Đông. Những tuyên bố mơ hồ từ Nhà Trắng chứng tỏ sự bất lực hoàn toàn trong việc giải quyết khủng hoảng.”. Những nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã nhiều lần đến thăm các nước ở Trung Đông, rốt cuộc không dẫn đến giải pháp mà dẫn tới ngõ cụt”.
Thời điểm then chốt Tình hình hiện tại ở Trung Đông đang hết sức căng thẳng và khó lường. Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực kêu gọi các bên kiềm chế, tránh để xung đột leo thang gây ra hậu quả khôn lường cho khu vực và thế giới nói chung. Cuộc tấn công của Iran vào Israel đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ giữa hai nước và tình hình an ninh khu vực Trung Đông. Với phản ứng quyết liệt từ Israel và sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, những ngày tới sẽ là thời điểm then chốt quyết định liệu xung đột có leo thang thành cuộc chiến toàn diện hay không. Trong khi đó, thị trường dầu mỏ và kinh tế toàn cầu cũng đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình, sẵn sàng đối phó với mọi kịch bản có thể xảy ra. |
TRẦN ĐẮC LUÂN