Quốc tế
Nỗi lo vòng xoáy bạo lực sau vụ thủ lĩnh Hezbollah thiệt mạng
Cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc và kêu gọi ngay lập tức chấm dứt vòng lặp bạo lực khiến Lebanon đứng trước nguy cơ thành “Gaza thứ hai”, sau vụ Israel hạ sát thủ lĩnh Hezbollah.
Người dân tìm cách rời khỏi các địa điểm hứng chịu cuộc không kích của Israel ở Lebanon. Ảnh: AFP |
Lãnh đạo cao nhất của Hezbollah trong 32 năm qua, ông Hassan Nasrallah, nằm trong số những người thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel vào thủ đô Beirut (Lebanon), thành trì của Hezbollah, tối 27-9.
Làn sóng chỉ trích
Vụ ông Nasrallah bị hạ sát có thể đánh dấu bước leo thang căng thẳng đáng kể trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào có trụ sở tại Lebanon. Theo Tân Hoa xã, ngày 28-9, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres, cho biết ông Guterres bày tỏ hết sức quan ngại trước sự leo thang kịch tính này. Ông Dujarric nhấn mạnh: “Vòng xoáy bạo lực này phải chấm dứt ngay, và tất cả các bên cần phải lùi bước trước bờ vực thảm họa. Người dân Lebanon và Israel, cũng như toàn bộ khu vực, không thể chịu đựng cuộc chiến toàn diện”.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran và nhiều nước Hồi giáo khác lên tiếng phản đối các vụ tấn công của Israel vào Lebanon. Theo AP, ngày 28-9, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei kêu gọi tất cả người Hồi giáo huy động nguồn lực, cơ sở vật chất và sát cánh cùng người dân Lebanon và phong trào Hezbollah trong cuộc chiến chống Israel. Ông nhấn mạnh, tất cả lực lượng kháng chiến ở khu vực Tây Á đều sát cánh và ủng hộ Hezbollah. Đặc phái viên Iran tại LHQ cũng yêu cầu cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an để lên án hành động của Israel bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất có thể. Trong diễn biến liên quan, truyền thông Iran đưa tin tướng Abbas Nilforoushan, phó chỉ huy lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng trong vụ không kích của Israel.
Hamas và Houthi, đồng minh của Hezbollah, tuyên bố vụ ám sát sẽ càng làm tăng quyết tâm của họ trong cuộc đối đầu với Israel. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi khẳng định Cairo luôn sát cánh cùng Beirut ở thời điểm quan trọng hiện nay, đồng thời lên án mọi hành vi vi phạm an ninh, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lebanon. Theo Tân Hoa Xã, Bộ Ngoại giao Nga lên án hành vi ám sát chính trị mới nhất của Israel và kêu gọi nước này lập tức chấm dứt hoạt động quân sự ở Lebanon; đồng thời cảnh báo hành động bạo lực này tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với Lebanon và toàn bộ Trung Đông.
Israel sắp mở chiến dịch trên bộ ở Lebanon?
“Hezbollah chịu đòn giáng mạnh nhất vào cơ sở hạ tầng quân sự kể từ khi thành lập. Ngoài tổn thất hạ tầng và vũ khí, nhóm này còn mất hầu hết lãnh đạo cấp cao, trong khi mạng lưới liên lạc sụp đổ”, ông Hanin Ghaddar, nhà nghiên cứu tại Viện Washington nói với CNN. Tuy nhiên, dù Hezbollah bị ảnh hưởng nặng nề trong ngắn hạn nhưng nhóm này khó có thể bị ảnh hưởng nặng nề trong dài hạn vì ông Nasrallah sẽ được thay thế bằng một thủ lĩnh khác và nhóm vẫn duy trì kho vũ khí cùng sức mạnh quân sự khổng lồ của mình.
Theo Naharnet, ông Sayyed Hashem Safieddine, người đứng đầu hội đồng điều hành của Hezbollah, và cũng là anh em họ của ông Nasrallah, là một trong những lựa chọn cho vị trí người kế nhiệm. “Nhìn chung, Israel không có khả năng đánh bại Hezbollah về mặt quân sự. Hezbollah sẽ không biến mất”, CNN dẫn lời ông Yezid Sayig, thành viên cấp cao tại Chương trình Trung Đông của Carnegie.
Nhận định về diễn biến tiếp theo, ông Jonathan Panikoff, cựu quan chức tình báo cấp cao chuyên về khu vực Trung Đông, nói với AFP rằng Hezbollah gần như chắc chắn sẽ đáp trả. Trong khi đó, Israel càng có thêm tự tin và động lực sau cái chết của ông Nasrallah và muốn tận dụng tối đa khoảng trống lãnh đạo. Giới chức quốc phòng Israel đã nêu khả năng mở chiến dịch trên bộ vào Lebanon, và nếu được thực hiện đây sẽ là cuộc xâm nhập thứ tư của Israel vào lãnh thổ Lebanon trong 50 năm qua. Song, các quan chức Mỹ tiết lộ với CNN rằng Israel dường như chưa đưa ra quyết định về vấn đề hệ trọng này.
Đối với Mỹ, vụ ông Nasrallah thiệt mạng chỉ làm gia tăng thêm nỗi lo về một cuộc xung đột leo thang, điều mà Tổng thống Joe Biden muốn tìm cách tránh. Vốn đã bất đồng quan điểm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về xung đột kéo dài gần một năm ở Gaza, giờ đây ông Biden đang nỗ lực xoa dịu cả hai mặt trận tại thời điểm mà ảnh hưởng của ông đối với quá trình ra quyết định của ông Netanyahu dường như đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Trước đó, Thủ tướng Netanyahu bác bỏ đề xuất ngừng bắn trong 3 tuần do Mỹ và Pháp làm trung gian, càng khiến giới chức Mỹ trở nên mệt mỏi với việc ông Netanyahu liên tục phớt lờ lời kêu gọi kiềm chế của ông Biden.
Một câu hỏi quan trọng khác là mức độ mà Iran có thể đáp trả ra sao. Rõ ràng, vụ ám sát càng làm tăng thêm nỗi lo về phản ứng của Iran, khiến quốc gia này đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan hơn khi phải cân bằng giữa việc đứng lên chống lại Israel nhưng phải tránh xung đột lan rộng thêm trong khu vực.
Bàn luận về các cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas; Israel và Hezbollah; và căng thẳng Israel-Iran, cựu chuyên gia đàm phán Trung Đông của Bộ Ngoại giao Mỹ Aaron David Miller nói với CNN: “Không có cuộc chiến tranh tiêu hao nào trong số này sẽ sớm kết thúc… Tốt nhất là vấn đề răn đe, quản lý và có thể, nếu Hezbollah, Israel và Iran cởi mở với các thỏa thuận thì sẽ giúp kiềm chế xung đột”.
Ước tính, hơn 1.000 người đã thiệt mạng kể từ khi xảy ra các cuộc không kích của Israel vào tuần trước. Nhiều quốc gia đang gấp rút chuẩn bị sơ tán công dân và rút nhân viên ngoại giao khỏi Lebanon.
THƯ LÊ