Quốc tế
Từ doanh nhân đến phó tổng thống trẻ nhất Indonesia
Ông Gibran Rakabuming Raka (37 tuổi), con trai cả của cựu Tổng thống Joko Widodo, trở thành phó tổng thống trẻ nhất Indonesia, dù trước đó đam mê kinh doanh và không muốn tham gia chính trường.
Theo Reuters, ông Gibran trở thành người con thứ hai của một cựu tổng thống lên nắm giữ chức phó tổng thống, sau bà Megawati Soekarnoputri, con gái cựu Tổng thống Sukarno. Chính trị gia này thậm chí còn trẻ hơn Mohammad Hatta, phó tổng thống đầu tiên của Indonesia, người nhậm chức ở tuổi 43. Được biết, theo luật, chức phó tổng thống trước đây phải có độ tuổi tối thiểu là 40.
Theo BenarNews, đà thăng tiến của ông Gibran thực sự vượt ngoài mong đợi vì ông này từng không quan tâm đến chính trị. Ở tuổi 27 tuổi, ông Gibran đã chọn cách đứng ngoài ánh đèn chính trị và thậm chí còn không đồng ý với quyết định tham gia chính trường của cha mình. Đó cũng là lý do ông Gibran không có mặt tại sự kiện ông Widodo nhậm chức tổng thống lần đầu tiên vào năm 2014.
Cách đây 6 năm, Gibran tuyên bố rõ ràng rằng chính trị không nằm trong bất cứ kế hoạch nào của mình: “Tôi muốn trở thành một doanh nhân, không phải là một chính trị gia. Tôi tin rằng chúng ta cũng có thể tạo ra tác động xã hội tích cực với tư cách là những doanh nhân mà không nhất thiết phải tham gia chính trị…”. Do đó, sau khi du học ở Singapore và Úc, ông Gibran dấn thân vào kinh doanh và tạo dựng vị thế ổn định trong thế giới ẩm thực khi điều hành công ty cung cấp dịch vụ ăn uống cùng với chuỗi nhà hàng nổi tiếng trên khắp đất nước.
Tuy nhiên, ông Gibran đảo chiều quan điểm nói trên sau khi giao lưu với các thành viên cộng đồng và ông nhận ra rằng tham gia chính trường là cách hữu ích để lan tỏa tác động và sự hỗ trợ của mình đến toàn cộng đồng. “Số lượng người mà tôi có thể hỗ trợ trước đây chỉ giới hạn ở hàng nghìn người hưởng lợi từ các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chẳng hạn như các lớp học tiếng Anh miễn phí. Nhưng trong lĩnh vực chính trị, tiềm năng hỗ trợ này có thể mở rộng ra toàn bộ dân số của thành phố Solo với khoảng 600.000 người”, Reuters dẫn lời ông Gibran.
Năm 2021, ông Gibran giành chiến thắng áp đảo, trở thành thị trưởng thành phố quê nhà Solo, vị trí mà cha ông từng nắm giữ. Trong suốt nhiệm kỳ, nhiều cư dân Solo ủng hộ và đánh giá cao những chiến lược tập trung phát triển cơ sở hạ tầng do ông Gibran khởi xướng. Họ ghi nhận công lao của ông trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện điều kiện sống. Thị trưởng trẻ tuổi thường xuyên trả lời ý kiến của người dân trên mạng xã hội, từ các vấn đề như ổ gà trên đường cho tới mâu thuẫn chỗ đỗ xe ở khu chung cư.
Con đường đến chiếc ghế phó tổng thống của ông Gibran cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu ông đã chuẩn bị như thế nào để bước lên vũ đài chính trị, ngay cả khi chức vị phó tổng thống chỉ là vị trí có quyền lực và ảnh hưởng tương đối hạn chế, trong khi tuổi đời và “tuổi nghề” còn khiêm tốn. Chưa kể, ông Gibran luôn bị đặt lên bàn cân so sánh với người cha với di sản đáng nể. Tuy nhiên, chính trị gia trẻ tuổi này luôn khẳng định bản thân vẫn có tư duy khác biệt.
Theo Reuters, trong khi cha ông tập trung vào chính sách khai thác khoáng sản hạ nguồn - thúc đẩy tinh chế nhiều hàng hóa thô hơn trước khi xuất khẩu, Gibran lại kêu gọi đội ngũ thanh niên trẻ tuổi, đặc biệt là sinh viên, phải trở thành nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư trí tuệ nhân tạo và nhà thiết kế chuỗi khối để có cơ hội tiếp cận công việc được trả lương cao hơn trong thời buổi công nghệ số.
Giới phân tích lưu ý rằng, chính sức trẻ và nền tảng gia đình của Gibran là những yếu tố quan trọng giúp ông giành chiến thắng. Người dân “xứ vạn đảo” kỳ vọng vào một kỷ nguyên năng động hơn dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Prabowo và “phó tướng” Gibran, để đưa nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á trị giá 1.000 tỷ USD hướng đến mục tiêu thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
THƯ LÊ