Quốc tế

Bầu cử Mỹ: Sức nặng lá phiếu ở 7 bang chiến trường

08:43, 05/11/2024 (GMT+7)

Khoảng 240 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5-11, nhưng thực ra chỉ một số lượng tương đối nhỏ trong số đó có khả năng quyết định ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo. Những lá phiếu ở các bang chiến trường được cho là nắm giữ chìa khóa vào Nhà Trắng.

Do các bang khác đều có truyền thống nghiêng hẳn về đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa nên kết quả bầu cử tổng thống Mỹ phụ thuộc vào 7 bang chiến trường gồm: Michigan, Nevada, Pennsylvania, Wisconsin, Arizona, Georgia, Bắc Carolina. Trong chính trị Mỹ, thuật ngữ bang dao động (swing states) hay bang chiến trường (battleground states) được dùng để chỉ bất kỳ bang nào mà ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa có thể giành chiến thắng một cách hợp lý bằng cách đảo ngược số phiếu bầu. Do đó, xuyên suốt chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump hay Phó Tổng thống Kamala Harris đều nhắm mục tiêu vào những cử tri chưa quyết định sẽ bầu ai ở các tiểu bang đặc biệt này.

Theo BBC, năm nay, cuộc đua trở nên quyết liệt hơn do cuộc rượt đuổi sít sao chưa từng có, chỉ trong phạm vi sai số, đến mức ông Trump hoặc bà Harris thực sự có thể nhỉnh hơn hai hoặc ba điểm cũng đủ để giành chiến thắng dễ dàng.

Theo hệ thống bầu cử Mỹ, mỗi bang được phân bổ một số lượng phiếu đại cử tri nhất định tương ứng với đại diện của họ tại Quốc hội Mỹ. Riêng hai bang Nebraska và Maine thường chia sẻ phiếu đại cử tri, đồng nghĩa một ứng viên có thể giành được phiếu bầu ngay cả khi ứng viên kia giành chiến thắng hoàn toàn ở Nebraska hoặc Maine. Để trở thành tổng thống, ứng cử viên phải đạt ít nhất 270/538 phiếu đại cử tri.

Đáng chú ý, 7 bang chiến trường chiếm đến 93 trong tổng số 538 phiếu đại cử tri:  Arizona (11 phiếu đại cử tri), Georgia (16 phiếu), Michigan (15 phiếu), Nevada (6 phiếu), Bắc Carolina (16 phiếu), Pennsylvania (19 phiếu) và Wisconsin (10 phiếu). Tổng số phiếu đại cử tri của các bang này đủ để một ứng viên giành được đa số phiếu cần thiết để vào Nhà Trắng. Ước tính, bà Harris cần 44 trong tổng số 93 phiếu này để giành chiến thắng, trong khi ông Trump cần 51 phiếu.

Thường thì mỗi bang được phân bổ số lượng đại cử tri nhất định dựa trên dân số. Song điều đáng nói là hầu hết các bang bầu đại cử tri theo kiểu “được ăn cả, ngã về không”, nghĩa là ứng viên giành nhiều phiếu bầu phổ thông hơn ở bang nào sẽ nghiễm nhiên sở hữu toàn bộ phiếu đại cử tri của bang đó. Đơn cử, nếu ai giành được nhiều phiếu phổ thông nhất ở bang Pennsylvania nghiễm nhiên đoạt toàn bộ 19 phiếu đại cử tri, trong khi người kia trắng tay.

Theo Bloomberg, hai ứng viên vẫn nỗ lực phút cuối để thu hút một nhóm nhỏ cử tri vẫn còn đang do dự. Ngày 3-11, bà Harris tổ chức cuộc vận động tranh cử tại Đại học Bang Michigan, trong khi ông Trump chạy đua vận động ở hai bang Pennsylvania và North Carolina trước khi đến Georgia. Bà Harris đã cố gắng thu hút số lượng lớn cử tri bằng cách nêu bật một loạt các đề xuất về kinh tế và chăm sóc sức khỏe, cũng như nêu bật vai trò điều hành tương lai của mình. Bà cho rằng, ông Trump chỉ lo tập trung “danh sách đối thủ” trong khi bà nêu bật “danh sách việc cần làm” cho người Mỹ, bất kể họ có bỏ phiếu cho bà hay không. Trong bối cảnh cuộc đua vẫn ở thế cân bằng, giới chức tại các bang chiến trường đang chuẩn bị ứng phó với rối ren hậu bầu cử gồm thông tin sai lệch, thuyết âm mưu, đe dọa và thậm chí là cả nguy cơ xảy ra bạo lực.

Đến nay, chưa ai dám chắc về thời điểm gọi tên người chiến thắng. Giới quan sát không loại trừ khả năng có biên độ chiến thắng rất hẹp ở một số nơi nên phải kiểm phiếu lại. Bên cạnh đó, cũng có khả năng một số kết quả có thể đến chậm hơn trong năm nay do những thay đổi ở các tiểu bang riêng lẻ. Việc kiểm phiếu được đẩy nhanh ở những nơi như Michigan và ít phiếu bầu được bỏ qua thư hơn nhiều so với cuộc bầu cử trước. Điều này có nghĩa một số kết quả có thể xảy ra - người chiến thắng được tuyên bố vào đêm bầu cử, sáng hôm sau hoặc có thể là vài ngày hoặc vài tuần sau đó.

THƯ LÊ

.