Quốc tế
Dịch vụ im lặng nở rộ ở nhiều nơi
Ngày càng có nhiều người muốn tránh giao tiếp xã hội khi họ ra khỏi nhà. Kết quả là loại hình dịch vụ mới được ra đời: dịch vụ im lặng. Xu hướng mới này cho phép những khách hàng “hướng nội” có không gian yên tĩnh và thoải mái trong những hoạt động thường ngày.
Theo TIME, tại Sunday Salon, một tiệm làm tóc ở Cary, Bắc Carolina (Mỹ), khách hàng có thể yêu cầu dịch vụ cắt tóc im lặng- trong đó thợ cắt tóc không được trò chuyện với khách. Andrew Edwards, đồng sáng lập của tiệm tóc cho biết: “Khách hàng chỉ cần ngồi trên ghế và không phải nói câu nào, họ chỉ cần thư giãn”. Đây chỉ là một trong những dịch vụ im lặng ngày càng phổ biến trên khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Uber và Lyft- hai hãng taxi công nghệ Mỹ- đều cho phép người đi xe chọn dịch vụ im lặng, nghĩa là tài xế sẽ không trò chuyện với họ. Khoảng 13% khách hàng của Lyft đã yêu cầu dịch vụ này trong năm 2023. Một số phòng mát-xa tại Mỹ cũng cung cấp dịch vụ mát-xa im lặng, trong đó nhân viên trị liệu sẽ cố gắng không giao tiếp với khách. Mỹ cũng là thị trường lớn nhất đối với dịch vụ tự thanh toán, giúp mọi người có thể vào hiệu thuốc hoặc cửa hàng tạp hóa và không phải tương tác với nhân viên bán hàng. Theo RBR Data Services, việc sử dụng công nghệ này đã đạt mức kỷ lục vào năm 2023.
Theo Japan Times, tại Nhật Bản, nhiều dịch vụ im lặng cũng phát triển để đáp ứng nhu cầu của khách hàng muốn tránh giao tiếp xã hội. Một tiệm làm tóc ở Stagaya (Tokyo), triển khai dịch vụ độc đáo phục vụ những khách hàng thích “hướng nội”. Khách hàng có ba lựa chọn: nói chuyện bình thường, nói ít và im lặng. Sau phần tư vấn và chọn dịch vụ, trải nghiệm im lặng bắt đầu. 10 năm trước, anh Takahiro Noguchi, chủ tiệm tóc này, bắt đầu giới thiệu dịch vụ “kaiwa nashi”, tiếng Nhật nghĩa là “không nói chuyện”.
Ban đầu, anh nghĩ nó chỉ phục vụ người hướng nội và giao tiếp kém, nhưng qua nhiều năm, anh hiểu có những khách hàng đơn giản chỉ muốn có một ngày tĩnh lặng. Hiện, khoảng 60% khách hàng của tiệm tóc chọn im lặng hoàn toàn hoặc nói ít khi đặt lịch trực tuyến. Họ hầu hết trong độ tuổi 20 - 30. Trong lúc im lặng, họ dùng điện thoại, làm việc trên máy tính xách tay, đeo tai nghe, đọc sách, nhìn vào gương hoặc chỉ lắng nghe tiếng kéo cắt. Trong cuộc khảo sát được thực hiện bởi Học viện Hot Pepper Beauty của Recruit Group vào tháng 4-2024, 52,9% trong số 2.000 người tham gia cho biết khi đi làm tóc, họ thích ngồi im lặng hơn là trò chuyện xã giao. 43,5% tiết lộ rằng lý do là bởi họ không giỏi trò chuyện và cảm thấy như bị ép buộc.
Urban Research, nhà bán lẻ Nhật Bản, cung cấp lựa chọn mua sắm yên tĩnh cho khách hàng. Người mua sắm chọn cầm chiếc túi màu xanh khi họ bước vào cửa hàng, báo hiệu rằng họ không muốn nhân viên bán hàng nói chuyện với họ. Các cửa hàng khác cũng cung cấp cho khách hàng những cách dễ dàng hơn để tránh nói chuyện với người khác. Ichiran, chuỗi nhà hàng có 85 địa điểm toàn cầu, cung cấp các bàn ăn riêng giống như các ô ngăn để khách có thể ngồi ăn một mình.
Nhiều người cũng có vẻ thích sự yên tĩnh trong thời gian rảnh rỗi. Có những câu lạc bộ đọc sách trong im lặng ở nhiều thành phố trên khắp cả nước Mỹ, nơi mọi người mang theo sách họ muốn đọc và cùng nhau ngồi đọc trong im lặng. Laura Gluhanich, người sáng lập Câu lạc bộ Sách im lặng ở San Francisco, cho biết có gần 1.500 chi hội Câu lạc bộ Sách im lặng trên toàn thế giới, tăng từ khoảng 500 chi hội vào năm ngoái.
Đối với nhiều người, dịch vụ im lặng mang lại sự nghỉ ngơi cần thiết. Edwards, chủ tiệm tóc ở Cary, cho biết cửa hàng của anh bắt đầu cung cấp dịch vụ cắt tóc im lặng vào năm 2021, thời kỳ Covid-19, vì khi đó đeo khẩu trang khiến các thợ cắt tóc và khách hàng khó hiểu nhau. Hiện, giờ khách đặt dịch vụ làm tóc im lặng để họ có thể ngủ trưa, hoặc làm việc trên máy tính xách tay, hoặc chỉ đơn giản là nhìn chằm chằm vào khoảng không. Edwards cho biết dịch vụ này cũng phù hợp với những người gặp rào cản ngôn ngữ và căng thẳng khi nghĩ đến việc trò chuyện xã giao với người lạ.
Tuy nhiên, Jessica Methot, Giáo sư quản lý nguồn nhân lực tại Đại học Rutgers, người nghiên cứu về mạng xã hội, cho rằng, chúng ta mất đi điều gì đó khi tránh giao tiếp với người khác. Nghiên cứu cho thấy rằng những tương tác ngắn ngủi có thể tạo ra năng lượng tích cực, song hầu hết mọi người đều đánh giá thấp giá trị của việc trò chuyện. Theo Giáo sư Methot, trò chuyện xã giao, chiếm khoảng 1/3 các cuộc trò chuyện, “là chất kết dính xã hội”. Bà lo lắng rằng, trong thời đại làm việc từ xa, các cuộc gọi trực tuyến cũng các dịch vụ im lặng khiến mọi người trở nên cô đơn hơn vì họ không có những tương tác ngắn ngủi, trực tiếp. “Chúng ta cần có những cuộc trò chuyện nhỏ trực tiếp hằng ngày để thúc đẩy những trải nghiệm cuộc sống”, bà nói.
GIA NGHI