Quốc tế
Hỏng cáp thông tin liên lạc giữa các nước NATO dưới biển Baltic
Cáp thông tin liên lạc giữa các nước NATO dưới biển Baltic bị hỏng, làm gián đoạn đường truyền. Điều này dấy lên những mối lo ngại về an ninh thông tin khu vực.
Theo Reuters, một tuyến cáp viễn thông giữa Lithuania và Thụy Điển đã bị đứt ở biển Baltic. Ông Andrius Semeskevicius, Giám đốc kỹ thuật của nhà điều hành Lithuania Telia cho biết, vụ việc xảy ra vào khoảng 10 giờ ngày 17-11 (giờ địa phương), hư hỏng được phát hiện sau khi mất liên lạc. Hậu quả là tốc độ internet của Lithuania đã giảm 1/3.
“Chúng tôi có thể xác nhận rằng sự gián đoạn lưu lượng truy cập internet không phải do lỗi thiết bị mà có thể do tác động vật lý”, ông Semeskevicius nói. Mặc dù dây cáp đã khá cũ và bị hỏng nhiều lần do các tàu thả neo gần bờ không đúng cách, song Lithuania chưa ghi nhận trường hợp phá hoại nào xảy ra trước đây.
Tiếp đó, ngày 18-11, Đức và Phần Lan cũng ghi nhận sự cố một tuyến cáp ngầm dưới biển Baltic nối hai quốc gia này bị cắt đứt. Nguyên nhân của vụ việc vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, theo ông Andrius Semeskevicius, các dây cáp bị hư hỏng giao nhau trên diện tích 10m2. Vì cả hai dây cáp đều bị rách nên rõ ràng là không có vụ thả neo ngẫu nhiên nào từ một con tàu và điều này phản ánh tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
Hiện nay, Đức và Phần Lan đã mở một cuộc điều tra về sự việc đối với dây cáp nối giữa hai nước; đồng thời, cảnh báo về mối đe dọa của cuộc “chiến tranh hỗn hợp” (kết hợp biện pháp quân sự và phi quân sự). Trong tuyên bố chung, Ngoại trưởng Đức và Phần Lan bày tỏ đặc biệt quan ngại về việc thông tin liên lạc giữa hai nước qua biển Baltic bị cắt đứt. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng chung đối với an ninh châu Âu.
Sự cố được phát hiện ở tuyến cáp viễn thông C-Lion1 dài 1.172km, nối thủ đô Helsinki của Phần Lan đến thành phố cảng Rostok của Đức, khiến tất cả các dịch vụ được cung cấp bởi tuyến cáp ngừng hoạt động. C-Lion1 được đưa vào vận hành năm 2016, là tuyến cáp truyền dữ liệu duy nhất của Phần Lan nối với trung tâm châu Âu. Truyền thông Phần Lan dẫn lời người phát ngôn của Cinia - Công ty xây dựng và bảo trì mạng cáp quang của Phần Lan - nói rằng: “Tất cả các kết nối cáp quang tới cáp đã bị cắt và hiện tại không thể đánh giá nguyên nhân gây hư hỏng cáp, nhưng sự cố như vậy không xảy ra ở vùng biển này nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài”.
Trong khi đó, theo Reuters, ông Samuli Bergstrom, người đứng đầu trung tâm an ninh mạng của Cơ quan giao thông và truyền thông Phần Lan (Traficom) cho biết, không có sự gián đoạn nào trong lưu lượng truy cập internet được ghi nhận. Đài truyền hình Yle dẫn lời ông Bergstrom cho biết, có một số tuyến truyền dữ liệu giữa Phần Lan và nước ngoài, vì vậy việc hư hỏng một sợi cáp không ảnh hưởng đến lưu lượng truy cập internet.
Tháng trước, NATO mở một căn cứ hải quân mới ở Rostock để điều phối các nỗ lực của liên minh ở biển Baltic. Động thái vấp phải sự phản ứng gay gắt từ Nga. Một ngày sau khi căn cứ được thành lập, Nga đã triệu tập Đại sứ Đức tại Moscow để phản đối. Moscow gọi động thái này là sự vi phạm trắng trợn Hiệp ước thống nhất nước Đức năm 1990, trong đó quy định rằng các lực lượng vũ trang nước ngoài không được đóng quân trong khu vực. Berlin bác bỏ tuyên bố này.
Rõ ràng, sau cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra, các sự cố cho thấy căng thẳng gia tăng ở biển Baltic ngày càng trở nên phổ biến. Trong số các sự kiện quan trọng nhất là vụ nổ tại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vào năm 2022, nơi cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu, cũng như sự cố hư hỏng đường ống dẫn khí đốt giữa Estonia và Phần Lan hay việc đứt cáp liên lạc nối Estonia với Phần Lan và Thụy Điển. Điều này đặt ra những câu hỏi lớn về môi trường an ninh khu vực hiện nay.
HÙNG LÂM