Quốc tế

Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trước những tác động

07:50, 15/11/2024 (GMT+7)

Cách đây vài tháng, giới chuyên gia còn tự tin về tăng trưởng ổn định của châu Á- Thái Bình Dương bất chấp biến động địa chính trị, nhưng dự báo mới nhất lại cho thấy những “cơn gió ngược” có nguy cơ kéo kinh tế toàn khu vực chậm lại trong vài năm tới.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 đang diễn ra tại Lima (Peru). Ảnh: Reuters
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 đang diễn ra tại Lima (Peru). Ảnh: Reuters

Kinh tế chậm lại

South China Morning Post (SCMP) dẫn báo cáo do nhóm chuyên gia thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) công bố gần đây cho thấy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chứng kiến ​​tăng trưởng kinh tế chậm lại trong vài năm tới trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng, bất ổn chính sách lớn hơn, dân số già hóa làm giảm lực lượng lao động và gây thêm áp lực tài chính. Báo cáo dự báo kinh tế các nền kinh tế thành viên APEC, vốn chiếm phần lớn trong khu vực sẽ có tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức 3,5% vào năm 2024, tiếp tục giảm xuống 3,1% vào năm 2025, 3% vào năm 2026 và 2,7% cho đến cuối thập niên.

Trong quá trình theo dõi tác động của chủ nghĩa bảo hộ đang có chiều hướng tăng, các nhà nghiên cứu của APEC thống kê số lượng tích lũy các biện pháp hạn chế và đối phó thương mại. Dữ liệu của họ cho thấy số lượng rào cản về thương mại đã tăng từ 276 vào cuối năm 2019 lên 345 vào tháng 10-2024, tăng 25%, trong khi các biện pháp đối phó thương mại cũng tăng vọt lên 28%. SCMP dẫn lời ông Rhea C. Hernando, đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Chủ nghĩa bảo hộ, bao gồm cả việc tăng các dòng thuế quan, đang đe dọa tăng trưởng thương mại và gây tổn hại đến quan hệ kinh tế giữa các thành viên APEC”.

Đáng chú ý, chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống đắc cử Donald Trump có khả năng làm suy yếu tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương thông qua chính sách bảo hộ thương mại có nguy cơ đe dọa sẽ đảo lộn các quy tắc thương mại toàn cầu. Ông Trump từng tiết lộ dự định áp thuế lên tới 20% đối với tất cả hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ và lên tới 60% đối với các sản phẩm của Trung Quốc nhằm tái cân bằng cấn cân thương mại.

Ngoài ra, việc ông Trump đe dọa rút khỏi Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) cũng gây lo ngại về sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và suy yếu hợp tác thương mại khu vực. Các nhà quan sát dự đoán rằng đóng góp của Mỹ cho APEC sẽ giảm dần dưới thời ông Trump, người vốn có lập trường bảo hộ và sự ngờ vực đối với các liên minh đa phương đã tạo sự bất an ở một số quốc gia. Trong quá khứ, ông ưu tiên các cuộc đàm phán song phương và cách tiếp cận mang tính cá nhân hơn hơn là với toàn khối nói chung.

Duy trì động lực tích cực của APEC

Trước những “cơn gió ngược” đang dần hiện ra, các chuyên gia APEC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm túc các cam kết hợp tác mới về các vấn đề thương mại nhằm duy trì động lực tích cực của khối này trước những thách thức toàn cầu đan xen phức tạp, thông qua các biện pháp nhằm giảm bớt rào cản thương mại, thúc đẩy thương mại tự do và giải quyết các tranh chấp thương mại một cách hòa bình.

Với việc làm chính quyền mới của Mỹ khả năng rút khỏi IPEF, các nhà phân tích mong đợi các cuộc thảo luận tại Tuần lễ cấp cao APEC 2024 đang diễn ra tại Lima (Peru) có thể là nơi các bên liên quan thảo luận các giải pháp thay thế và duy trì đồng thuận để bảo đảm chuỗi cung ứng, một trong những trụ cột của  IPEF. Điều này cho thấy APEC vẫn có thể tìm cách duy trì một số lợi ích của IPEF, ngay cả khi Mỹ rút khỏi.

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, các nước thành viên APEC có thể tập trung nguồn lực những lĩnh vực hợp tác tiềm năng quan trọng như quy tắc thương mại kỹ thuật số và đầu tư vào đổi mới và đào tạo nguồn nhân lực. Nikkei Asia dẫn nhận định của ông Kurt Tong, đối tác quản lý tại The Asia Group, cho biết: “Bất chấp những rào cản thương mại sắp thiết lập, các quan chức trong chính quyền ông Trump vẫn có thể đóng góp giúp APEC đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực này”.

Điểm sáng về thương mại
Bất chấp tín hiệu kinh tế chậm lại trong thời gian tới, các chuyên gia APEC vẫn lạc quan về điểm sáng tăng trưởng thương mại trong khu vực. Theo SCMP, thương mại dự kiến ​​sẽ tăng 3,9% trong năm 2024, với một số mức tăng trưởng nhanh nhất được ghi nhận bởi Trung Quốc, Singapore, Việt Nam. Năm 2025 sẽ chứng kiến ​​tốc độ tăng trưởng cao hơn. Thương mại hàng hóa và dịch vụ vào năm 2025 dự kiến ​​tăng 4,4%, với Philippines, Indonesia và Chile đạt mức tăng trưởng nhanh nhất.

THƯ LÊ

.