Quốc tế

Ông Ishiba trước các thách thức trong nhiệm kỳ mới

07:24, 12/11/2024 (GMT+7)

Việc ông Shigeru Ishiba tái đắc cử Thủ tướng Nhật Bản trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội ngày 11-11-2024 chỉ là nỗ lực vượt rào cản đầu tiên trong chặng đường dự đoán đối mặt nhiều thách thức phía trước.

Theo NHK, ngày 11-11, ông Shigeru Ishiba, ứng cử viên Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền, giành chiến thắng trong vòng 2 mang tính quyết định trước Chủ tịch đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ) đối lập chính Yoshihiko Noda. Trước đó, cả hai ứng cử viên đoạt số phiếu cao nhất trong vòng 1 nhưng đều không đa số quá bán. Sự thất bại của ông Noda một phần là do nỗ lực thành lập liên minh đối lập đã bất thành.

Cuộc bỏ phiếu nói trên diễn ra sau khi liên minh cầm quyền của ông Ishiba phải chịu thất bại khắc nghiệt nhất trong hơn một thập niên trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 27-10, và diễn ra chỉ 42 ngày sau khi ông được cơ quan này bầu làm thủ tướng ngày 1-10. “Người dân Nhật Bản bày tỏ mong muốn mạnh mẽ rằng LDP sẽ suy ngẫm và trở thành một đảng hành động theo ý nguyện của người dân. Điều quan trọng nhất là bảo đảm Nhật Bản trở thành quốc gia hòa bình và cải thiện đời sống người dân”, ông Ishiba nói với NHK sau cuộc bầu cử. 

Việc thực thi các kế hoạch chính sách của ông Ishiba trong những tháng tới ắt hẳn sẽ gặp nhiều thách thức. Bên cạnh những chia rẽ vẫn tồn tại trong đảng LDP cầm quyền, ông Ishiba giờ đây phải điều hành đất nước với một chính phủ thiểu số, đồng nghĩa liên minh cầm quyền cần phải chú ý nhiều hơn đến các yêu cầu từ khối đối lập vốn không ngừng gia tăng sức mạnh sau cuộc tổng tuyển cử ngày 27-10. Ông Ishiba phải xoay xở để giành sự đồng thuận từ phe đối lập về mọi chính sách quan trọng, đặc biệt về ngân sách, để bảo đảm sự ổn định và tính liên tục trong cỗ máy điều hành trong bối cảnh đất nước đang phải vật lộn với những thách thức kinh tế bao gồm lạm phát tăng cao, nền kinh tế trì trệ và đồng Yên yếu.

Theo Japan Times, ông Ishiba dự kiến ​​chỉ thực hiện những thay đổi nhỏ trong nội các, chủ yếu là thay thế những người đã mất ghế trong cuộc bầu cử ngày 27-10.

Thách thức cấp bách nhất mà ông Ishiba phải đối mặt là dự thảo ngân sách bổ sung cho năm tài chính đến tháng 3-2025, dưới áp lực của cử tri và các đảng đối lập nhằm tăng chi tiêu cho phúc lợi và các biện pháp trợ cấp giá cả tăng cao. Ông Ishiba đang chú trọng hợp tác với các đảng đối lập, đáng chú ý trong đó là đảng Dân chủ vì nhân dân (DPP), đảng đối lập nhỏ nổi lên sau cuộc bầu cử Hạ viện ngày 27-10. LDP và DPP đã thảo luận về việc phối hợp chính sách, bước quan trọng hướng tới bảo đảm chính phủ ổn định.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản còn phải đối mặt với một thách thức khác trên mặt trận chính sách đối ngoại bởi xuất hiện lo ngại Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể lại khiến Nhật Bản khó chịu bằng việc các biện pháp bảo hộ và áp dụng thuế quan thương mại mới, đặc biệt là đối với thép của quốc gia Đông Bắc Á này, cùng với khả năng khơi lại các yêu cầu để Tokyo trả nhiều hơn cho chi phí đồn trú của lực lượng Mỹ tại quốc gia này. Những vấn đề này phần lớn đã được giải quyết êm đẹp trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump từ năm 2017 đến năm 2021 nhờ mối quan hệ chặt chẽ giữa ông Trump với Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Shinzo Abe, mối quan hệ mà ông Ishiba dường như muốn tái lập. Theo AFP, ông Ishiba đang cố gắng sắp xếp cuộc gặp với ông Trump vào cuối tháng 11-2024.

Theo SCMP, trong cuộc phỏng vấn tháng 6-2024, ông Trump vẫn chỉ trích sự yếu kém của đồng Yên so với đồng USD và lợi thế mà nó mang lại cho các công ty Nhật Bản như các nhà sản xuất ô-tô. Đồng thời, ông kêu gọi Nhật Bản đóng góp nhiều hơn trong chi phí duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ với khoảng 55.000 quân, đây là lực lượng quân đội Mỹ được triển khai thường trực lớn nhất ở nước ngoài. Thỏa thuận hiện tại sẽ được gia hạn vào năm 2026.

THƯ LÊ

.