Quốc tế

Vị kiến trúc sư giúp hồi sinh "trái tim" nước Pháp

07:46, 07/12/2024 (GMT+7)

Kiến trúc sư Philippe Villeneuve và hành trình tái thiết kỳ diệu nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ hỏa hoạn năm 2019 không chỉ là câu chuyện về nỗ lực khôi phục một công trình vĩ đại, mà còn là biểu tượng của ý chí, sáng tạo và lòng tin vào sức mạnh của con người. Ở tuổi 61, ông đã cống hiến cả trái tim và tâm hồn cho dự án mang tính lịch sử này.

Kiến trúc sư trưởng Philippe Villeneuve, người được chỉ định phục dựng công trình Nhà thờ Đức bà Paris. Ảnh: Le Pèlerin.
Kiến trúc sư trưởng Philippe Villeneuve, người được chỉ định phục dựng công trình Nhà thờ Đức bà Paris. Ảnh: Le Pèlerin.

Ngày 15-4-2019, đám cháy kinh hoàng tại nhà thờ Đức Bà Paris của nước Pháp khiến dư luận rúng động. Chỉ trong vài giờ, biểu tượng hơn 800 năm tuổi của công trình kiến trúc theo trường phái Gothic bị hủy hoại nghiêm trọng với ngọn tháp sụp đổ, mái nhà và khung gỗ bị thiêu rụi. Sáng hôm sau, kiến trúc sư trưởng Philippe Villeneuve bước vào hiện trường với nỗi đau như chính một phần tâm hồn ông tan vỡ.

“Chúng tôi đã mất khung gỗ, mái nhà, ngọn tháp và ba phần vòm”, ông chia sẻ với AP trong cuộc phỏng vấn độc quyền gần đây. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra: dù bị tàn phá nặng nề, các cửa kính màu, đại phong cầm, và nhiều tác phẩm nghệ thuật bên trong nhà thờ vẫn còn nguyên vẹn. “Đó là lúc tôi nhận ra, việc tái thiết là có thể”, ông nhớ lại. Chỉ vài giờ trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố kế hoạch đầy tham vọng: khôi phục nhà thờ trong vòng 5 năm. Đối với ông Villeneuve, đây là thách thức khổng lồ nhưng cũng là cơ hội để cống hiến tài năng và lòng đam mê của mình.

Dự án tái thiết nhanh chóng thu hút sự ủng hộ chưa từng có, với số tiền quyên góp gần 1 tỷ USD từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, những khó khăn liên tiếp xuất hiện: từ cuộc khủng hoảng ô nhiễm chì ngay sau vụ cháy, đến Covid-19 buộc phải tạm dừng công việc, và thời tiết bất lợi làm chậm tiến độ. Dẫu vậy, kiến trúc sư Villeneuve cùng đội ngũ của mình vẫn kiên trì vượt qua. Một trong những bước ngoặt quan trọng là quyết định lùi ngày mở cửa nhà thờ từ tháng 4-2024 sang ngày 8-12-2024, trùng với Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, một lựa chọn vừa mang tính biểu tượng vừa khả thi. “Tôi muốn ngày này vừa linh thiêng, vừa có ý nghĩa đối với người dân Pháp”, ông chia sẻ.

Dưới tài năng và bàn tay khéo léo của kiến trúc sư Villeneuve cùng đội ngũ gần 1.000 công nhân, Nhà thờ Đức Bà không chỉ được tái thiết mà còn lột xác, trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết. Những bức tường đá từng nhuốm màu thời gian giờ đây sáng bừng sau quá trình làm sạch tỉ mỉ. Các khung gỗ của nhà thờ Đức Bà Paris được tạo nên từ hàng trăm cây gỗ vốn được mệnh danh là “khu rừng” có tuổi đời từ thế kỷ 13 cũng đã được phục dựng hoàn hảo.

Theo Le Monde, Tổng thống Macron đã tỏ ra vô cùng bất ngờ trước diện mạo tráng lệ bên trong nhà thờ. “Nhà thờ Notre Dame hiện tại thậm chí còn đẹp hơn trước. Công trình phục dựng này, một thách thức mà nhiều người cho là không thể, nay đã thành hiện thực”, ông Macron nhấn mạnh. Sự hồi sinh của công trình lịch sử này không chỉ đánh dấu sự tái sinh của một kiệt tác gần 900 năm tuổi mà còn khắc sâu ý nghĩa về lòng quyết tâm và tinh thần đoàn kết của nước Pháp và toàn thế giới. Tuy vậy, dù tái thiết thành công, kiến trúc sư Villeneuve vẫn day dứt trước câu hỏi chưa có lời giải: đâu là nguyên nhân thực sự của vụ hỏa hoạn. Dù có nhiều giả thuyết được đưa ra, từ chập điện cho đến sự cố trong quá trình sửa chữa, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. “Điều đó ám ảnh tôi. Không phải trách nhiệm cá nhân, nhưng việc không biết nguyên nhân khiến tôi vẫn bứt rứt”, AP dẫn lời ông.

Để bảo vệ nhà thờ khỏi những thảm họa tương tự, một hệ thống phòng cháy chữa cháy tiên tiến nhất đã được lắp đặt. Các camera nhiệt, đầu báo khói, và hệ thống phun sương mới không chỉ hiệu quả mà còn giúp bảo vệ cấu trúc gỗ và đá quý giá.

Nhà thờ Đức Bà Paris bắt đầu được xây dựng vào năm 1163. Trong suốt lịch sử của mình, nơi đây đã trải qua nhiều lần cải tạo. Cách mạng Pháp vào cuối thế kỷ 18 đã gây ra thiệt hại đáng kể cho nhà thờ. Phải đến khi cuốn tiểu thuyết ‘Notre-Dame de Paris’ (Thằng gù Nhà thờ Đức Bà) vào năm 1831 của đại văn hào Victor Hugo thì sự quan tâm của công chúng đối với việc khôi phục nhà thờ mới tăng lên. Điều này dẫn đến một dự án trùng tu lớn trong khoảng thời gian từ năm 1844 đến năm 1864.

Mở cửa trở lại vào ngày 7-12
Nhà thờ Đức Bà không chỉ là biểu tượng của Paris, mà còn là “trái tim” của cả nước Pháp. Với hơn 15 triệu khách tham quan dự kiến mỗi năm, công trình tái thiết này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn tiếp thêm niềm tin cho thế hệ mai sau về sức mạnh của sự đoàn kết và khả năng vượt qua nghịch cảnh của con người. Nhà thờ Đức Bà Paris chính thức mở cửa trở lại vào ngày 7-12 sau nỗ lực tái thiết lớn. Tổng thống Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu tại sự kiện trọng đại có sự tham dự của nhiều quan chức và lãnh đạo các nước, bao gồm cả Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.