Quan sát & Bình luận

Lời nói và dã tâm

08:17, 02/07/2014 (GMT+7)

Ngày 28-6, phát biểu trước một cử tọa quốc tế bao gồm Tổng thống Myanmar Thein Sein, Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari Mohammad và các nhà ngoại giao nước ngoài tại Bắc Kinh nhân lễ kỷ niệm 60 năm ngày Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar cam kết “chung sống hòa bình”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Chủ nghĩa bá quyền hay quân phiệt không nằm trong gen của người Trung Quốc”, và rằng “Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và cũng không áp đặt ý chí của mình lên người khác”(?!).

Lời khẳng định này được ông Tập Cận Bình đưa ra lúc chính phủ Trung Quốc bị rất nhiều nước tố cáo càng lúc càng tỏ rõ tham vọng bành trướng lãnh thổ và lãnh hải, áp đặt yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với các láng giềng, từ Nhật Bản đến Philippines, Việt Nam, và thậm chí Ấn Độ.

Ngay lập tức, hãng AFP bình luận, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trước cử tọa quốc tế có giọng điệu trái ngược với nhận xét đầy tính dân tộc chủ nghĩa được truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đó trích dẫn; trong đó, ông kêu gọi người Trung Quốc ghi nhớ rằng trong lịch sử, đất nước của họ từng là nạn nhân của xâm lược nước ngoài nên bây giờ phải tăng cường phòng thủ biên giới trên đất liền và trên biển (?!).

Vậy, với ngôn từ “chung sống hòa bình”, “chủ nghĩa bá quyền hay quân phiệt không nằm trong gen của người Trung Quốc”, thực tế, nhà cầm quyền Trung Quốc nhiều năm qua đã có những hành động như thế nào đối với các nước có chung đường biên giới với họ?

Đối với Nhật Bản, Trung Quốc đã không ngừng gây sóng gió trên vùng biển Hoa Đông khi tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đặc biệt, cuối năm 2013, việc Bắc Kinh đơn phương lập vùng nhận dạng hàng không ngay trên vùng biển này đã đẩy quan hệ với Tokyo trở nên căng thẳng và cận kề một cuộc xung đột vũ trang.

Đối với Ấn Độ, không ít lần hai bên đã đưa quân ra vùng biên giới để chuẩn bị đối đầu quân sự do tranh chấp lãnh thổ. Nhất là gần đây, ngay trong dịp kỷ niệm 60 năm ký hiệp định Panchsheel, trong đó có 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình giữa Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc và lời tuyên bố nói trên của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã công bố tấm bản đồ “đường 10 đoạn” “ngoạm” cả một bang Arunachal Pradesh ở đông bắc Ấn Độ, cho rằng đây là một phần thuộc địa giới Tây Tạng (Trung Quốc). Lập tức, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra tuyên bố nhấn mạnh: “Arunachal Pradesh là một phần không thể tách rời của Ấn Độ. Vấn đề này đã được Ấn Độ nhiều lần tuyên bố tới chính phủ Trung Quốc, kể cả cấp cao nhất”. Còn người dân và chính quyền bang Arunachal Pradesh cực lực lên án hành động của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Chính phủ Ấn Độ phải lập tức có những biện pháp ngăn chặn cũng như phương hướng giải quyết trong tương lai.

Còn đối với các nước trong khu vực Biển Đông, Trung Quốc đã không ít lần gây căng thẳng với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei xung quanh cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn”, nhằm biến toàn bộ vùng biển rộng lớn này thành “cái ao nhà” của họ.

Với Philippines, Trung Quốc đã gây ra các vụ tranh chấp nghiêm trọng và có những hành động bất chấp luật pháp quốc tế. Chính quyền Philippines hồi tháng 3 vừa qua nộp một bản ghi nhớ dài gần 4.000 trang lên Tòa án Trọng tài quốc tế và chính thức kiện Trung Quốc.

Với Việt Nam, hành động bành trướng, bá quyền của nhà cầm quyền Bắc Kinh lộ rõ từ bao đời. Chỉ tính từ cuối thế kỷ XX đến nay, Trung Quốc đã có tới 3 cuộc tấn công xâm lược vào Việt Nam, đó là: cuộc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 và cuộc tấn công chiếm một số đảo ở Trường Sa năm 1988. Ngoài ra, Trung Quốc còn tiến hành nhiều hoạt động phá hoại như tấn công tàu ngư dân Việt Nam hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa, phá hoại hoạt động của tàu thăm dò dầu khí Bình Minh…

Đặc biệt, từ đầu tháng 5 đến nay, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào hoạt động trái phép tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Để bảo vệ giàn khoan này, Trung Quốc huy động hàng trăm tàu chiến, tàu hải cảnh, hải giám… tấn công, gây hấn các tàu kiểm ngư, tàu cá của ngư dân, tàu cảnh sát biển của Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trên vùng biển chủ quyền của mình. Vậy mà nhà cầm quyền Trung Quốc lại đổ tội cho Việt Nam là “gây hấn”, là “phá rối”…!!!

Hai tờ báo lớn của Pháp Le Monde và Les Echos đã gọi hành động nói trên của Trung Quốc là mang tính “răn đe”, là “cưỡng bức” và nhận định cùng với việc mạo danh “quyền lịch sử”, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này đang làm đảo lộn hiện trạng về biên giới lãnh hải hiện nay. Các quốc gia láng giềng trong khu vực nghi ngờ cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc mà Bắc Kinh luôn rêu rao.

Chỉ vài vụ việc nói trên của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng cũng đủ cho thấy sự dị biệt giữa tuyên bố của nhà lãnh đạo cao nhất nước này - ông Tập Cận Bình - với hành động trên thực tế như thế nào.

Trong trường hợp này, người Việt Nam thường sử dụng câu ngạn ngữ: “Miệng nam mô, bụng bồ dao găm” là vậy đó!

T.M

.